Bất động sản nhà ở phục hồi mạnh mẽ, phân khúc nghỉ dưỡng tiếp tục trầm lắng

Thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận trong quý II/2025 ghi nhận sự phục hồi rõ nét ở các phân khúc nhà ở như đất nền, căn hộ và nhà phố/biệt thự. Ngược lại, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt về thanh khoản.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sức cầu và nguồn cung nhà ở tăng trưởng mạnh

Báo cáo mới nhất từ DKRA Consulting cho thấy, thị trường bất động sản nhà ở ghi nhận tín hiệu khởi sắc trong quý II/2025, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM. Long An, Bình Dương và Đồng Nai tiếp tục dẫn dắt thị trường với 81% tổng nguồn cung, tương đương khoảng 5.225 sản phẩm.

Đáng chú ý, phân khúc đất nền ghi nhận sức cầu tăng mạnh, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giao dịch tập trung chủ yếu tại Long An (nay là Tây Ninh) và Bình Dương (cũ), với giá thứ cấp tăng trung bình 4% so với quý trước.

Phân khúc căn hộ cũng ghi nhận đà phục hồi rõ rệt với nguồn cung sơ cấp tăng 40%, đạt hơn 20.500 căn – trong đó gần 80% đến từ TP.HCM và Bình Dương (cũ). Nguồn cung mới vượt 10.000 căn, gấp 3,1 lần cùng kỳ. Sức cầu tăng 3,3 lần, giá bán sơ cấp tăng 3% – 8%, trong khi giá thứ cấp tăng từ 4% – 11%, chủ yếu ở phân khúc trung cấp và cao cấp.

Phân khúc nhà phố/biệt thự ghi nhận mức tăng trưởng nổi bật nhất. Nguồn cung sơ cấp tăng 64%, lượng tiêu thụ gấp 5,9 lần cùng kỳ năm 2024. Nguồn cung mới tăng gấp 6 lần, chủ yếu đến từ Long An (91%). Giá sơ cấp tăng nhẹ 2%, giá thứ cấp tăng trung bình 6%. Giao dịch tập trung ở các dự án có hạ tầng hoàn chỉnh và pháp lý rõ ràng.

Bất động sản nghỉ dưỡng chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt

Trái ngược với đà phục hồi của nhà ở, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại TP.HCM và vùng lân cận vẫn trầm lắng. Mặc dù một số phân khúc ghi nhận cải thiện nhẹ, thanh khoản toàn thị trường nhìn chung vẫn ở mức thấp.

Phân khúc nhà phố và shophouse nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung mới tăng 16% so với cùng kỳ, song phần lớn (99%) đến từ hàng tồn kho của các dự án trước đó. Lượng tiêu thụ tăng 14%, chủ yếu là sản phẩm có pháp lý hoàn chỉnh và tiến độ xây dựng tốt. Tuy nhiên, giá bán không biến động đáng kể, dao động từ 5 – 10 tỷ đồng/căn.

Đối với condotel, nguồn cung sơ cấp giảm mạnh 35% so với cùng kỳ năm trước. Hơn 94% nguồn cung hiện tại đến từ hàng tồn kho. Dù giá bán sơ cấp tăng nhẹ 5% so với quý trước và tăng 7% so với cùng kỳ, giao dịch chỉ tập trung vào các sản phẩm dưới 3 tỷ đồng/căn. Các chủ đầu tư tiếp tục tung ra nhiều chính sách hỗ trợ dòng tiền như ưu đãi lãi suất và chiết khấu trực tiếp để kích cầu.

Triển vọng quý III: Nhà ở giữ nhịp tăng, nghỉ dưỡng vẫn khó bứt phá

Theo DKRA, bước sang quý III/2025, thị trường nhà ở được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi. Tuy nhiên, phân khúc nghỉ dưỡng vẫn chưa có triển vọng rõ ràng trong ngắn hạn.

Phân khúc đất nền dự kiến ghi nhận nguồn cung mới từ 450 – 550 sản phẩm. Sức cầu ổn định, tập trung ở các dự án có pháp lý minh bạch và hạ tầng hoàn chỉnh.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới ước đạt từ 9.000 – 11.000 căn. TP.HCM tiếp tục dẫn dắt thị trường với phân khúc hạng A, trong khi khu vực vùng ven chiếm ưu thế ở phân khúc hạng B và C. Giá bán được dự báo tăng nhẹ, đặc biệt tại các khu vực hưởng lợi từ quá trình sáp nhập địa giới và đầu tư hạ tầng.

Phân khúc nhà phố/biệt thự dự kiến ghi nhận nguồn cung mới khoảng 2.000 – 3.000 sản phẩm. Giá sơ cấp vẫn ở mức cao do sự lệch pha giữa cung và cầu. Giá thứ cấp nhiều khả năng tiếp tục tăng, với thanh khoản tập trung vào các dự án có kết nối hạ tầng thuận lợi.

Trong khi đó, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái trầm lắng. Nguồn cung condotel dự báo dao động 200 – 300 căn, tập trung ở Quảng Ninh và TP.HCM. Nguồn cung biệt thự và shophouse nghỉ dưỡng có thể tăng nhẹ nhưng chưa có nhiều kỳ vọng tăng trưởng do tâm lý thị trường chưa phục hồi.

Huyền Huyền

Theo Chất lượng và cuộc sống