Lộ diện 'vùng đất hứa' ở Sài Gòn: Dự báo sẽ 'cất cánh bay xa' nhờ loạt dự án hạ tầng 'tầm cỡ'
Với vị trí nằm giữa Vành đai 2 và Vành đai 3 của TP. HCM, thêm địa thế Sông Sài Gòn trợ lực, khu địa ốc nằm ở cửa ngõ phía Bắc được xem là 'vùng đất hứa' với nhiều tiềm năng phát triển.
Hàng loạt hệ thống hạ tầng "tầm cỡ" đang dần được hoàn thiện
Thời điểm hiện tại, khu vực phía Bắc Sài Gòn và các vùng giáp ranh được xem là một trong những vùng đất "lọt mắt xanh" các nhà đầu tư bất động sản (BĐS) lớn nhỏ.
Theo như ghi nhận từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. HCM, hai địa điểm gồm Quận 12 và huyện Củ Chi được xem là 2 trong số 4 địa phương dẫn đầu về lượng giao dịch trong 4 tháng đầu năm.
Ngoài ra, vùng giáp ranh Quận 12 và Củ Chi, TP. Thuận An (Bình Dương) cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về thị trường BĐS.
Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn trong tháng 3 ghi nhận lượt tìm kiếm nhà đất, căn hộ chung cư Thuận An đã tăng 74% so với các tháng trước.
Dưới góc nhìn của các môi giới BĐS trong khu vực, thị trường đầu năm 2024 đã "ấm dần lên" sau khi hàng loạt các nhà đầu tư đã tái khởi động trở lại thị trường. Trong tương lai, nhiều chuyên gia cũng như các nhà đầu tư đều nhận định khu vực này sẽ chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ với nhịp điệu sôi động hơn với tiềm năng tăng trưởng dài hạn nương theo tốc độ hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông nối liên vùng.
Theo như đồ án điều chỉnh quy hoạch TP. HCM giai đoạn năm 2025-2040, khu vực dọc sông Sài Gòn (đoạn giữa TP. HCM và tỉnh Bình Dương) sẽ bổ sung thêm 13 cầu kết nối trong đó có 10 cầu mới. Hàng loạt những cây cầu được xây dựng giúp hoàn thiện thêm mạng lưới giao thông cũng như phát triển không gian đô thị mới, thúc đẩy cư dân định cư hai bên tuyến đường sông.
Phía Bắc của Sài Gòn dự kiến sẽ có thêm 3 cây cầu trên sông Sài Gòn nối Thuận An với quận, huyện của TP. HCM, gồm Đường cầu Tàu nối Hóc Môn; cầu Vĩnh Phú nối Quận 12, đồng thời sẽ phục hồi cầu sắt Lái Thiêu thành cầu kiến trúc cảnh quan. Việc hình thành hệ thống giao thông nối hai bờ sông của Sài Gòn sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Thuận An sang TP. HCM.
Các chuyên gia nhận định, hệ thống cầu bắc qua sông Sài Gòn không những giải quyết bài toán về kết nối giữa các địa bàn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương và phát triển kinh tế, cảnh quan đô thị, tạo lực đẩy cho thị trường địa ốc.
Đơn cử như việc sau khi cầu Thủ Thiêm (năm 2007) và cầu Ba Son (năm 2022) được xây dựng, đã tạo điều kiện tăng trưởng cho thị trường BĐS, giá trị BĐS ở khu vực này tăng cao và được 'kích giá' lên nhiều lần sau khi hạ tầng được hoàn thiện.
Thêm "đòn bẩy" là 2 tuyến đường vành đai vắt qua
Không chỉ có thêm cầu kết nối, khu vực cửa ngõ Bắc Sài gòn còn nằm giữa Vành đai 2 đang hoàn thiện và Vành đai 3 đang thi công. Trong đó, đường Vành đai 3 có vốn hơn 75.000 tỷ đồng nối liền Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM và Long An, dự kiến toàn tuyến sẽ hoàn thành năm 2025 và vận hành từ năm 2026.
Nằm trong xu hướng hạ tầng hiện đại trên thế giới, tuyến Vành đai 3 kết nối với 5 đường cao tốc hướng tâm là TP. HCM - Trung Lương, TP. HCM - Mộc Bài, TP. HCM - Chơn Thành, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến Bến Lức - Long Thành tạo nên mạng lưới kết nối 4 địa phương và giải quát bài toán kết nối liên vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ.
Hệ thống đường vành đai này cũng được xem là "đòn bẩy" tạo nên hành lang đô thị vững chắc khi dọc tuyến là hạ tầng quy mô với đô thị lớn và các trung tâm kinh tế, đáp ứng nhu cầu giãn dân khỏi vùng trung tâm, thúc đẩy thị trường BĐS ven đô khởi sắc.
Ngoài ra, việc loạt đường vành đai cũng như dự án hạ tầng nội đô được triển khai, nhiều cây cầu hình thành không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân mà còn là cánh cửa đón làn sóng cư dân chuyển dịch về sinh sống.
Khu Bắc Sài Gòn gồm: Quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Trong đó, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi đang được định hướng trở thành khu đô thị vệ tinh phía Bắc của TP. HCM.
Đây là khu vực "cửa ngõ" phía Bắc của thành phố, kết nối các tỉnh công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai với lượng dân như cư vô cùng lớn và hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh. Đại lộ Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 1A hay Quốc lộ 13... đều là tuyến đường huyết mạch giúp tăng cường kết nối khu vực phía Bắc TP. HCM với trung tâm thành phố.