Lo nợ xấu tín dụng BOT, BT giao thông tiếp tục tăng
Theo Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế, khó có khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động trái chiều.
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 của ngành ngân hàng gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.
Báo cáo nêu rõ, đến cuối tháng 6/2021, nếu tính cả nợ cơ cấu, nợ xấu đã lên tới 7,21%.
Cụ thể, theo báo cáo, đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73% (cuối năm 2020 là 1,69%). Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số nợ xấu nội bảng được xử lý là 78,86 nghìn tỷ đồng. Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro là 33,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 42%; thông qua bán nợ là 18,66 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,7%; khách hàng trả nợ là 20,55 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,11%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu đến cuối tháng 6 là 3,66%. Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21%, trong khi cuối năm 2020 là 5,08%.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đang phải đối mặt với khả năng nợ xấu tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Nguyên nhân được cơ quan này nhận định là hầu hết nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế; khó có khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động trái chiều. Nhiều dự án sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu khi chính sách thu phí không ổn định (giảm phí theo chỉ đạo của Chính phủ, chưa được tăng phí theo lộ trình theo hợp đồng dự án...).
Ngoài ra, theo Ngân hàng Nhà nước, việc ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt đợt bùng phát lần thứ 4, nhiều tỉnh trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa giảm mạnh.
Không chỉ BOT, BT, Ngân hàng Nhà nước cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong ngành thương mại dịch vụ như ngành vận tải, ngành dịch vụ lưu trú ăn uống, ngành du lịch... gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh gây áp lực cho ngành ngân hàng như nguy cơ nợ xấu tăng, việc xem xét cho vay mới gặp khó khăn do năng lực tài chính của khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh...
Theo báo cáo, trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 138.340 tỷ đồng (chiếm 38,5% tổng nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012 - 2017 là khoảng 22,8%.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất một số nội dung dự kiến đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 (phần liên quan đến lĩnh vực ngân hàng).
Trong đó, đáng lưu ý, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc luật hoá các chính sách quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo hướng ban hành 1 luật riêng quy định về xử lý nợ xấu.
Đồng thời, bố trí nguồn vốn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước Trung ương, địa phương, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ; phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi và phải sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý.
Ngân hàng Nhà nước còn đề nghị bố trí, cấp vốn, bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để cải thiện, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo đủ mức vốn tự có theo chuẩn an toàn vốn của Basel 2.