Nợ xấu và trích lập dự phòng tại các ngân hàng đang phân hóa ra sao?
Trước nguy cơ nợ xấu gia tăng do đại dịch, việc bổ sung, thay đổi các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng đã thu hút sự chú ý. Đặc biệt, nợ xấu và trích lập dự phòng giữa các ngân hàng đã có sự phân hóa lớn.
Điểm mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng
Trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ gia tăng do ảnh hưởng từ dịch đại dịch, việc bổ sung, sửa đổi các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các tổ chức tín dụng đang được đặc biệt quan tâm.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN thay thế Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 11 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2021.
Điểm thay đổi lớn nhất tại thông tư này là các tổ chức tín dụng phải phân loại nợ ít nhất mỗi tháng một lần, trong 7 ngày đầu tiên của tháng, thay vì mỗi quý một lần, trong 15 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của mỗi quý như quy định cũ tại Thông tư 02.
Đồng thời, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải điều chỉnh nhóm nợ và điều chỉnh tương ứng số tiền trích lập dự phòng rủi ro của tháng cuối cùng của quý theo danh sách do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cung cấp trong thời hạn 3 ngày.
Ngoài ra, Thông tư mới cũng quy định sau thời gian tối thiểu 5 năm, từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.
Thông tư mới cũng sửa đổi các khái niệm về dự phòng cụ thể, dự phòng chung, nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, bổ sung khái niệm nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thông tư mới cũng điều chỉnh nguyên tắc tự phân loại các khoản nợ cấp tín dụng hợp vốn, với nợ đã bán, ủy thác cấp tín dụng, với nợ đã mua…
Nhóm chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, việc bổ sung quy định này nhằm đưa ra một chuẩn mực đảm bảo các tổ chức tín dụng thực hiện thống nhất, đóng vai trò là một văn bản để đảm bảo cho cả ngành áp dụng các tiêu chuẩn giống nhau.
Dự phòng rủi ro ngân hàng phân hóa mạnh
Trước nguy cơ nợ xấu gia tăng do đại dịch, việc bổ sung, thay đổi các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng đã thu hút sự chú ý. Thực tế cho thấy nhiều năm qua, giữa các ngân hàng có nhiều sự khác biệt, trong khi một số ngân hàng nghiêm túc thực hiện và trích lập dự phòng rủi ro một cách cẩn trọng, thì cũng có ngân hàng chưa trích lập đầy đủ vì lo ngại ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (một thước đo đánh giá mức độ trích lập dự phòng so với nợ xấu của ngân hàng) giữa các ngân hàng có sự phân hóa lớn.
Cụ thể, trong khi phần lớn các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới mốc 100% như LienVietPostbank (96,5%), ngân hàng Quốc Dân (77%), OCB (70%), VIB (63,8%), VietABank (62,3%), thậm chí thấp nhất chỉ từ 30-50% như MSB (58,5%), ABBank (55,4%), Eimbank (50%), ngân hàng Bản Việt (44,7%), PGBank (33%),… thì vẫn có một số ít ngân hàng đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên rất cao, trên 100% như Vietcombank (366,3%), Techcombank (259%), MBBank (236,5%), ACB (207,7%),…
Theo quy định về tỷ lệ trích lập dự phòng hiện nay, mà thông tư mới ban hành vẫn giữ nguyên, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cụ thể đối với từng nhóm nợ như sau: 0% với nợ tiêu chuẩn – nợ nhóm 1; 5% với nợ cần chú ý trích lập – nợ nhóm 2; 20% với nợ dưới chuẩn – nợ nhóm 3; 50% với nợ nghi ngờ – nợ nhóm 4 và 100% với nợ có khả năng mất vốn – nợ nhóm 5.
Tuy nhiên, ngoài ra các ngân hàng từ trước đến nay vẫn phải trích lập dự phòng chung với tổng dư nợ (từ nhóm 1 đến nhóm 4) theo tỷ lệ 0,75%. Điều đó có nghĩa là khi ngân hàng phát sinh một khoản vay 1 đồng, ngân hàng phải trích dự phòng chung 0,75 đồng.Với số dư nợ nhóm 1 chiếm tỷ trọng vượt trội trong tổng dư nợ hiện nay của các ngân hàng, theo đó 0,75% dự phòng của riêng nợ nhóm 1 hay nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 trong số dư quỹ dự phòng là rất lớn.
Có một thực tế, tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao, cho thấy ngân hàng càng có khả năng sẵn sàng dùng các khoản dự phòng đã trích lập để xóa các món nợ khó thu hồi. Đây được xem là bộ đệm để các ngân hàng ứng phó với các cú sốc tốt hơn trong tương lai. Một phần trong khoản trích lập này có thể được hoàn nhập trở lại khi thu hồi được nợ, và chuyển hoá thành lợi nhuận.
Đáng chú ý, những số liệu về nợ xấu hiện nay còn chưa được phản ảnh đầy đủ. Bởi các ngân hàng được phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ để giúp khách hàng gặp khó khăn vì dịch bệnh theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Do đó, nhiều món nợ đáng lý phải chuyển thành nợ xấu thì vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, nên tổng dư nợ xấu có thể thấp hơn nhiều so với nợ xấu thực tế. Vì vậy, dự phòng nợ xấu trên sổ sách có thể thấp hơn nhiều so với số dự phòng nếu ngân hàng phải trích lập dự phòng đúng với thực tế.
Có thể thấy, việc giữ nguyên nhóm nợ cũng tiềm ẩn nguy cơ cao với ngân hàng nếu chỉ theo dõi nợ trên sổ sách mà không sát sao vào thực tế.