Loạt động thái giúp khơi thông dòng vốn đầu tư bất động sản vào cuối năm 2022
Thị trường đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng, dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm 2022, nhờ một loạt điều chỉnh chính sách quản lý Nhà nước có liên quan như nới room tín dụng một số ngân hàng và doanh nghiệp được phép phát hành trái phiếu để cơ câu nợ.
Nới room tín dụng ngân hàng
Theo NHNN, tính đến thời điểm ngày 31/5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế. Dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là 1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%. Dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh bất động sản hơn 786.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,7%. Tính đến 15/8/2022, tín dụng cả nước tăng hơn 9,6%. Riêng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 14,1% so với cuối năm 2021, trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,2%, tín dụng bất động sản phục vụ mục đích sử dụng tăng đến 17,2%.
Ngày 29/8/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Theo NHNN, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 được phân cho từng TCTD dựa trên cơ sở: (1) Kết quả xếp hạng từng TCTD theo quy định tại Thông tư 52 (đã được sửa đổi, bổ sung). (2) Xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro,…
Hiện có 15 ngân hàng được NHNN cấp thêm room tín dụng lần này, trong đó, có VIB (với mức điều chỉnh là 3%, Agribank (3,5%), VPBank (0,7%), SHB (3,2%), LienVietPostBank (dưới 1%), TPBank (1,2%), OCB (khoảng 3,1%), Vietcombank (2,7%), MB (3,2%), Sacombank (4%)…
Đây là lần đầu tiên trong năm 2022 NHNN công bố nới hạn mức tín dụng cho tổ chức tín dụng. Việc nới room này sẽ cho phép bổ sung khoảng 457.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng vào nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng theo Thông tư 52 là nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các TCTD nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Trước đó, kế hoạch mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 được NHNN đưa ra từ đầu năm là 14%. Hết tháng 8/2022, mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2021. Hiện, các nhà băng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được giao".
Cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản chứng kiến trạng thái kẹt thanh khoản cục bộ. Theo ước tính, ngành bất động sản hiện chiếm 59% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn. Riêng năm 2022, có tới 35,56 nghìn tỷ đồng nợ đã huy động qua trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn và tăng mạnh lên mức 61,37 nghìn tỷ đồng vào năm 2023. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2022, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 180.000 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ và tháng 8/2022 giảm tới 58% so với tháng trước, giảm 84% so với cùng kỳ năm 2021.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo đó, điểm mới của Nghị định 65/2022/NĐ-CP là cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp... Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư. Mệnh giá trái phiếu doanh nghiệp chào bán tại thị trường trong nước là 100 triệu đồng Việt Nam hoặc bội số của 100 triệu đồng Việt Nam.
Doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước khi: Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua; được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận. Những thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường. Đại diện người sở hữu trái phiếu thực hiện chế độ báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán định kỳ hàng quý, hàng năm và báo cáo trong trường hợp phát hiện tổ chức phát hành có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu trái phiếu.
Như vậy, điểm mấu chốt là Nghị định mới cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để cơ cấu nợ. Đây là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp cất bớt gánh nặng lo âu tìm vốn đảo nợ và đầu tư suốt nhiều tháng qua, mà còn tạọ lập cơ sở pháp lý và củng cố niềm tin vào sự phục hồi dòng vốn huy động trên thị trường chứng khoán cho đầu tư bất động sản thời gian tới…