Loạt ngân hàng hé lộ mục tiêu lợi nhuận khủng năm 2022

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng sắp diễn ra và kéo dài đến hết tháng 6/2021. Các mục tiêu kinh doanh 2022 được ngân hàng dần hé lộ, trong đó lộ rõ tham vọng lợi nhuận quá lớn tại nhóm ngân hàng tư nhân.

Kế hoạch lợi nhuận cao

Đầu tiên, "ông lớn" Vietinbank đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn với kỳ vọng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10% - 20%. Với mức kế hoạch này, lợi nhuận trước thuế kế hoạch dao động trong khoảng 19.348 - 21.107 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngân hàng ước tính kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 10% - 14%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10% - 12%; tổng tài sản tăng trưởng khoảng 5% - 10%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Quán quân lợi nhuận ngân hàng năm 2021- Vietcombank cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 12%, tương đương hơn 30.600 tỷ đồng. Đây tiếp tục là con số lợi nhuận cao kỷ lục trong toàn hệ thống.

Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra là 12% (phù hợp với mức cấp của Ngân hàng nhà nước), tổng tài sản tăng 8%. Nợ xấu duy trì dưới 1,5%; thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trên 16%.

Đáng chú ý, tại nhóm ngân hàng tư nhân lộ ra nhiều tham vọng hơn cả nhóm quốc doanh.

Điển hình tại Eximbank, năm 2022 đặt mục tiêu tổng tài sản tăng thêm 13.000 tỷ lên 179.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 6,5% lên mức 147.600 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 13.5% lên 131.400 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi ở mức 1.159 tỷ đồng, tăng 23%. Lợi nhuận trước thuế tăng 127% lên 2.500 tỷ đồng.

Loạt ngân hàng hé lộ mục tiêu lợi nhuận khủng năm 2022 - Ảnh 1
 Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Eximbank.

Thực tế, kế hoạch kinh doanh năm 2022 lãi gấp đôi so với năm liền trước và đây là một thách thức lớn đối với Eximbank. Bởi lợi nhuận ngân hàng năm 2021 sụt giảm 10% so với năm 2020 (1.205 tỷ đồng) và không đạt kế hoạch lợi nhuận năm là 1.300 tỷ (thấp hơn 40% so với kế hoạch ban đầu). Đồng thời, năm 2022, Eximbank dự kiến sẽ tiếp tục có những xáo trộn về bộ máy lãnh đạo.

Nếu thực hiện thành công kế hoạch đề ra năm nay, Eximbank sẽ ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế cao nhất trong gần một thập niên trở lại đây. Tuy nhiên, trong năm 2021, ban lãnh đạo ngân hàng này cũng từng đặt mục tiêu rất tham vọng vào đầu năm nhưng đến cuối năm lại phải giảm mạnh chỉ tiêu.

Trường hợp tại VIB cũng vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 dự kiến tổ chức vào ngày 16/3 tới.

Nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức hơn 21.000 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 36% so với đầu năm.

Loạt ngân hàng hé lộ mục tiêu lợi nhuận khủng năm 2022 - Ảnh 2
Nguồn: VIB

Cũng đặt mục tiêu tăng trưởng khủng trong năm 2022 không thể không kể đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB).

Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) Nguyễn Hoàng Linh cho biết, năm 2022, MSB đặt mục tiêu tài sản tăng 15% lên 230.000 tỷ đồng, tín dụng tăng 25%, tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Lãi trước thuế mục tiêu tăng hơn 30%, lên 6.800 tỷ đồng.

Cơ sở để CEO MSB đưa ra là tính đến hết tháng 10, lãi trước thuế của ngân hàn đã đạt 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm và kỳ vọng lãi trước thuế cả năm nay vào khoảng 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng đã ký thỏa thuận bảo mật với các đối tác về việc bán cổ phần tại Công ty Tài chính FCCOM. Lợi nhuận ước tính từ thương vụ bán 100% FCCOM khoảng 2.000 tỷ đồng và sẽ hoàn tất trong năm 2022.

Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng này dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng 18-20% tính riêng tại ngân hàng mẹ, nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên 23-27%. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 kỳ vọng tích cực hơn năm 2021.

Ngoài ra, lãnh đạo VPBank còn kỳ vọng vào sự phục hồi của khách hàng VPBank, đặc biệt là khách hàng của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) với kịch bản FE Credit có thể quay trở lại mức lợi nhuận 5.000-6.000 tỷ đồng trong năm 2022, theo TTXVN.

Mặc dù chưa công bố về mục tiêu lợi nhuận năm 2021, song theo báo cáo cập nhật Ngân hàng Techcombank, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 29.100 tỷ đồng. 

Đánh giá động lực tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2022

Loạt ngân hàng hé lộ mục tiêu lợi nhuận khủng năm 2022 - Ảnh 3

Lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế, nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20-30% trong năm nay, chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ, cho vay cá nhân, cho vay bất động sản…

Theo đánh giá của Dragon Capital, mảng ngân hàng bán lẻ Việt Nam ngày càng được chú trọng do ở giai đoạn phát triển sơ khai, còn nhiều dư địa phát triển. Mặt khác, việc dịch chuyển sang bán lẻ cũng sẽ nâng cao biên lợi nhuận và mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho ngân hàng.

Năm 2022, thu nhập ngoài lãi như ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm (bancassurance), mảng dịch vụ được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao. Đặc biệt, thu nhập từ dịch vụ thanh toán được dự báo sẽ phục hồi cùng với việc nối lại thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại.

Chẳng hạn tại ACB, thu nhập phí được kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021, trong đó doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong vòng 15 năm và bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của ACB trong 2022 và những năm sau.

Với VietinBank (mã CTG), Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết, kế hoạch hợp tác với Manulife triển khai từ giai đoạn 2019-2020, nhưng do có sự thay đổi về tiến độ nên từ quý I/2022 mới bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng bán chéo bảo hiểm.

Nếu VietinBank phân bổ phí trả trước bảo hiểm trong 4 năm thì con số ghi nhận trong năm 2022 có thể đạt gần 1.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc thoái vốn khỏi các công ty con như công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cũng sẽ được thực hiện trong năm 2022.

Ngoài ra, ngân hàng nào có cho vay cá nhân nhiều thì có biên lãi suất cao hơn, trong bối cảnh lãi suất đầu ra giảm, lãi suất đầu vào thì đang có xu hướng nhích lên. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt cũng sẽ có cơ hội trong năm 2022.

Dự báo bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng, giới phân tích cho rằng bức tranh tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2022 sẽ thấp hơn 2021 khi phải cân bằng kiểm soát rủi ro, dự báo lợi nhuận chỉ tăng 19%, thấp hơn năm 2021, theo VNDirect.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng hoạt động kinh doanh các ngân hàng năm 2022 nhìn chung sẽ tiếp tục duy trì tích cực.

Cụ thể, công ty chứng khoán cho rằng nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ được hỗ trợ bởi các câu chuyện chia cổ tức và kỳ vọng phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài trong quý I/2022, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có điểm rơi về tin tức và tăng trưởng kể từ quý II và quý III năm 2022.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ