Lợi nhuận trước thuế tăng, FPT Long Châu vướng ồn ào tiêm chủng

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT – sàn HoSE) đạt doanh thu 18.281 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 161 tỷ đồng. Tuy nhiên, chuỗi trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu liên tục vướng phải ồn ào trong quá trình hoạt động.

Dữ liệu từ báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của FPT cho thấy, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 18.281 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, hoàn thành 49% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 161 tỷ đồng, hoàn thành 128% so với kế hoạch năm (kế hoạch lãi trước thuế năm 2024 là 125 tỷ đồng).

Trong đó, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu ghi nhận doanh thu tăng trưởng ở mức 67% so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt 11.521 tỷ đồng và chiếm 63% doanh thu toàn FPT Retail. Đồng thời, hiệu quả hoạt động được duy trì với doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc khoảng 1,2 tỷ/tháng trong bối cảnh liên tục mở nhiều nhà thuốc mới.

Về mạng lưới cửa hàng, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, FPT Retail sở hữu mạng lưới 2.435 cửa hàng trên cả nước. Trong đó, FPT Long Châu mở rộng với 1.706 nhà thuốc, tăng 209 nhà thuốc so với đầu năm 2024. Trong quý 2, Long Châu mở rộng mạng lưới tiêm chủng vắc xin với 36 cơ sở mở mới, đạt 87 trung tâm tại 40 tỉnh thành, đóng góp vào mục tiêu xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng.

Mạng lưới tiêm chủng vắc xin FPT Long Châu ngày càng được mở rộng về số lượng.
Mạng lưới tiêm chủng vắc xin FPT Long Châu ngày càng được mở rộng về số lượng.

Dù kết quả kinh doanh khả quan, tuy nhiên suốt thời gian qua tại các hệ thống của Trung tâm tiêm chủng Long Châu ở nhiều địa phương liên tục vướng phải các tồn tại về y tế.

Vào ngày 7/8, đoàn kiểm tra liên ngành do Viện kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế - Bộ Y tế chủ trì phối hợp cùng Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện việc thanh kiểm tra tại trung tâm tiêm chủng Long Châu 66 ở địa chỉ 44-44A Phan Đình, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ ra nhiều bất cập.

Tại trung tâm Long Châu 66 Đà Lạt, đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng vắc xin và sinh phẩm y tế được bảo quán, tiếp nhận tại trung tâm và kiểm tra việc mua vắc xin theo kế hoạch giám sát (nếu có).

Các vấn đề tại trung tâm tiêm chủng Long Châu 66 Đà Lạt được đoàn kiểm tra chỉ ra gồm: “Bố trí một dược sỹ cao đẳng phụ trách kho vắc xin, được đào tạo về GSP (hệ thống dây chuyền bảo quản và lưu trữ lạnh trong quy trình sản xuất - kinh doanh vắc xin) theo quy định. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra thì dược sỹ cao đẳng V.T.K.L (người phụ trách kho vắc xin, được đào tạo về GSP) không trực tiếp ký biên bản giao nhận vắc xin, cấp phát vắc xin mà thay bằng điều dưỡng H.T.N.C - người không được giao nhiệm vụ trong bản mô tả công việc của công ty”.

Kiểm tra hồ sơ về đáp ứng GSP, đoàn kiểm tra phát hiện không có hồ sơ tổng thể của đơn vị về GSP.

Ngoài ra, có 14 quy trình thực hành chuẩn đáp ứng yêu cầu của GSP, tuy nhiên quá trình thực hiện một số quy trình không đúng như văn bản quy định. Đó là quy trình bảo quản vắc xin và quy trình cấp phát vắc xin.

Đoàn kiểm tra tại thời điểm kiểm tra phát hiện tủ ngang chứa vắc xin xếp quá nhiều, đầy kín vắc xin sát với nắp tủ, nhiệt độ lúc theo dõi không đúng với quy định phải đảm bảo trong điều kiện từ 2-8 độ C. Cơ sở này cũng không mua mẫu vắc xin để hậu kiểm.

Đoàn kiểm tra kiến nghị trung tâm tiêm chủng Long Châu 66 bố trí và phân công người có chức năng phụ trách kho làm việc tại cơ sở tiêm chủng và chịu trách nhiệm ký biên bản giao, nhận vắc xin, bảo quản vắc xin đúng quy định.

Đồng thời rà soát hoàn thiện hồ sơ GSP đúng quy định và theo thực tế hoạt động tại cơ sở tiêm chủng Long Châu 66.

Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu trung tâm tiêm chủng Long Châu 66 đào tạo về bảo quan vắc xin, sắp xếp vắc xin trong tủ bảo quản theo đúng quyt định cho nhân viên.

Ngoài ra, yêu cầu cơ sở tiêm chủng không để tình trạng vắc xin cấp từ kho tổng của công ty quá nhiều như thời điểm kiểm tra. Đồng thời, đoàn kiểm tra đề nghị Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cử đoàn Thanh tra hậu kiểm việc tuân thủ thực hành tốt bảo quản vắc xin tại cơ sở này và xử lý theo quy định hiện hành (nếu có sai phạm).

Trước đó, tại Tp.HCM, Hà Nội, Phú Yên... các trung tâm tiêm chủng Long Châu đều bị phát hiện vi phạm liên quan.

Cụ thể, vào ngày 4/7, CDC Tp.HCM đã có văn bản gửi Trung tâm FPT Long Châu về việc cung cấp thông tin đến sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Bệnh nhân gặp phải sự cố là L.T.N.Q sinh năm 2006, bị xác định “nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin”.

Đến ngày 8/7, CDC Tp.HCM cũng có công văn gửi Bệnh viện Quận 11 và Bệnh viện đa khoa Xuyên Á đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến các trường hợp gặp sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Theo báo cáo của CDC Tp.HCM, trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân Q. vừa nêu ở trên đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu (Q.Tân Bình) vào ngày 2/7 và được tiêm 2 mũi vắc xin (Bexsero phòng viêm màng não mô cầu và Twinrix phòng viêm gan A và B). Bệnh nhân này được tiêm 2 mũi vắc xin cách nhau khoảng 1 phút. Sau khi tiêm mũi 2 loại vắc xin Twinrix khoảng 30 giây, bệnh nhân chóng mặt, mệt và ngất. Sau khi xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quận 11 để tiếp tục theo dõi phản vệ độ III sau tiêm vắc xin.

Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân D.C.T (17 tuổi, ở Long An). Bệnh nhân đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu ở huyện Củ Chi để tiêm vắc xin Twinrix. Sau tiêm xảy ra tình trạng phản vệ và được xử lý cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á trên địa bàn theo dõi, điều trị.

Minh Khang

Theo Tài chính doanh nghiệp