Long An: Dự án Dragon Pearl "lách luật" huy động vốn trái phép?

Mặc dù dự án chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chưa triển khai xong cơ sở hạ tầng nhưng Dự án Dragon Pearl đã được các đơn vị phân phối rao bán bằng

Dự án khu dân cư Đức Hòa Đông được đưa ra thị trường với tên thương mại là Dragon Pearl. Dự án tọa lạc tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, do Công ty cổ phần Bất động sản Đức Hòa Đông làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Phúc Thịnh Land (Phúc Thịnh Land) và Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư Bến Thành (Bến Thành Invest) là đơn vị phân phối độc quyền.

Công ty BĐS Đức Hòa Đông ký kết hợp tác phát triển và phân phối độc quyền dự án KĐT Dragon Pearl với Bến Thành Invest và Phúc Thịnh Land  
Công ty BĐS Đức Hòa Đông ký kết hợp tác phát triển và phân phối độc quyền dự án KĐT Dragon Pearl với Bến Thành Invest và Phúc Thịnh Land  

Theo quảng cáo, dự án đang được giới thiệu như "siêu phẩm" bất động sản tại phía Tây Sài Gòn và được rao bán rầm rộ, như: Dragon Pearl thu hút rất nhiều khách hàng, giới đầu tư đến với dự án; Dragon Pearl có quy mô gần 49 ha với hơn 1.700 sản phẩm đất nền, là khu đô thị mới thông minh với vị trí chiến lược, được bao bọc bởi các con sông, kênh, rạch tự nhiên và liền kề với các khu đô thị sinh thái như: Tân Đô, Tân Tạo, Tân Đức, Làng Sen Việt Nam, An Hạ Lotus…

Để tìm hiểu thêm về dự án, phóng viên được nhân viên tư vấn của Công ty Cổ phần BĐS Phúc Thịnh tư vấn: “Dự án Dragon Pearl là “siêu phẩm” bất động sản khu Tây của chủ đầu tư Công ty BĐS Đức Hòa Đông tung ra thị trường vào cuối tháng 11/2021. Hiện, dự án đang cho khách đặt giữ chỗ với số tiền 50 triệu đồng. Tháng 1/2022 đóng tiếp 35%, còn lại khách sẽ chi trả phần còn lại trong vòng 12 tháng”.

Trong khi đó, ghi nhận thực tế tại dự án Dragon Pearl chỉ là một bãi đất đầm lầy, cơ sở hạ tầng, các hạng mục của dự án vẫn còn ngổn ngang chưa được xây dựng hoàn thiện. Thế nhưng, Phúc Thịnh Land đã ngang nhiên “xé rào” để thu tiền của khách hàng, có dấu hiệu huy động vốn trái phép với 50 triệu đồng/nền. Điều đáng nói, theo Quyết định số 8123/QĐ-UBND tỉnh Long An về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư Đức Hòa Đông cũng yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và xây dựng nhà ở để bán. Tuy nhiên, đơn vị phát triển dự án là Phúc Thịnh Land đã tiến hành thu tiền của khách hàng thông qua giao dịch “Giấy xác nhận tiền thanh lý”, “Phiếu đăng ký tìm hiểu thông tin”... là trái với quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản.

Dự án Dragon Pearl chỉ là một bãi đầm lầy, cơ sở hạ tầng, các hạng mục vẫn đang ngổn ngang chưa được hoàn thiện.  
Dự án Dragon Pearl chỉ là một bãi đầm lầy, cơ sở hạ tầng, các hạng mục vẫn đang ngổn ngang chưa được hoàn thiện.  

Theo Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản quy định, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải “có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó".

Ngoài ra, để được mở bán chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận được phép bán và nhận được thông báo dự án đó đủ điều kiện bán của Sở Xây dựng, thì mới được phép bán.

Theo luật sư Châu Văn Tiết - Văn phòng luật sư Châu Phúc (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) việc chủ đầu tư hoặc sàn phân phối tự ý ký hợp đồng thoả thuận đặt chỗ với khách hàng, bản chất việc thu tiền này là huy động vốn trái phép, có lợi rất nhiều cho chủ đầu tư, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua, khiến thị trường bất động sản bất ổn. Ngoài ra, để được mở bán chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận được phép bán và nhận được thông báo dự án đó đủ điều kiện bán của Sở Xây dựng, thì mới được phép bán.

Thời gian gần đây, có rất nhiều dự án được chủ đầu tư bắt tay với các sàn phân phối để huy động động vốn trái phép, dẫn đến việc khách hàng bị chiếm dụng vốn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng. Thường các trường hợp huy động vốn trái phép là do yếu kém về mặt năng lực tài chính, nên sử dụng nguồn vốn sai mục đích khiến dự án chậm triển khai, hoặc có trường hợp không triển khai xây dựng.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, người mua nhà cần liên hệ cơ quan chức năng để tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng, tránh trường hợp mua phải dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Trên thực tế, việc giao dịch mua bán khi chưa đủ điều kiện mở bán, trong khi pháp lý còn mập mờ nhưng chủ đầu tư và các đơn vị phân phối đã nhận tiền từ khách hàng khiến thị trường bất ổn, còn khách hàng là người nhận "trái đắng".

Trần Thuỳ - An Nhiên

Theo Doanh nghiệp Việt Nam