Lý do cổ phiếu BĐS lao dốc, khiến VN-Index mất mốc 1.280 điểm

Cổ phiếu bất động sản (BĐS) tiếp tục diễn biến hết sức bi đát trong phiên 3/10, sau khi giao dịch tiêu cực trong phiên liền trước. VN-Index giảm gần 10 điểm và mất mốc 1.280 điểm.

“Anh cả” VHM trở thành “tội đồ” khi giảm tới 4,15%, là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới chỉ số VN-Index.

Các cổ phiếu khác không những ngập chìm trong sắc đỏ mà còn giảm mạnh, như VRE giảm 2,61%, KDH giảm 3,11%, PDR giảm 2,83%, DIG giảm 2,23%, TCH giảm 3,64%, DXG giảm 3,46%, HDG giảm 2,33%, SGR giảm 4,52%, NTL giảm 4,42%, DXS giảm 2,23%, CRE giảm 2,29%...

Lý do cổ phiếu BĐS lao dốc, khiến VN-Index mất mốc 1.280 điểm - Ảnh 1

Việc giá cổ phiếu bất động sản lao dốc liên quan đến 3 lý do chính. Thứ nhất là giới đầu tư lo ngại về tiến độ mua lại cổ phiếu của Vinhomes, trong bối cảnh công ty bất động sản này vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông nhưng chưa tiết lộ nội dung cụ thể. Hiệu ứng tiêu cực của VHM phần nào ảnh hưởng đến các cổ phiếu bất động sản khác.

Thứ hai, nhiều nhóm chứng khoán lan truyền thông tin kém khả quan về việc thanh, kiểm tra các dự án bất động sản, cộng thêm việc Novaland bị bà Trương Mỹ Lan “đòi” 2.500 tỷ đồng, đã khiến tâm lý nhà đầu tư cổ phiếu bất động sản không được ổn định.

Thứ ba là hiệu ứng từ việc Novaland lỗ hàng nghìn tỷ đồng do phải trích lập dự phòng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp tính theo phương án giá đất năm 2017 của dự án Lakeview City. Vấn đề tính tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với các dự án tại TP. HCM không phải là vấn đề của riêng Novaland mà còn của không ít doanh nghiệp bất động sản khác, trong khi việc lượng hoá rủi ro vào báo cáo tài chính chưa được thực hiện một cách hợp lý.

Trở lại với diễn biến thị trường, các nhóm ngành như nguyên vật liệu, bán lẻ, năng lượng, công nghệ đều diễn biến kém khả quan, tiêu biểu như GVR, DGC, DCM, HSG, DPM, PHR, HAG, MWG, PLX, POW, FPT đều giảm trên 1%.

Cổ phiếu chứng khoán cũng không ngoại lệ, trong đó: VND giảm 1,99%, FTS giảm 1,99%, BSI giảm 1,36%, VIX giảm 2,87%, CTS giảm 1,6%, AGR giảm 2,42%.

Riêng cổ phiếu ngân hàng vẫn cố “gồng gánh” thị trường, nhưng cũng không tránh khỏi áp lực bán, khiến nhóm ngành này chia làm 2 phe. Ở phe tăng, OCB mạnh mẽ nhất khi tăng kịch trần, kế đến là VPB và SSB tăng trên 1%, còn lại CTG, HDB, STB, SHB, EIB, NAB tăng nhẹ. Ở phe giảm, TCB giảm 2,21%, VIB và MSB đều giảm 1,53% trong khi các cổ phiếu lớn như VCB, BID, MBB, ACB đều ghi nhận sắc đỏ.

Thanh khoản khớp lệnh phiên 3/10 tăng vọt lên 22.000 tỷ đồng, cao hơn hẳn con số phiên liền trước là gần 15.000 tỷ đồng.

Thanh Long

Theo VietnamFinance