Lý do Đà Nẵng được chọn làm tên gọi và đặt trung tâm hành chính sau sáp nhập Quảng Nam
HĐND TP. Đà Nẵng thống nhất giữ tên gọi Đà Nẵng cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập với tỉnh Quảng Nam nhằm phát huy thương hiệu đô thị trung tâm và đảm bảo ổn định hành chính.
Ngày 26/4, HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam với TP. Đà Nẵng, nêu lý do lựa chọn tên gọi và vị trí đặt trung tâm hành chính sau sáp nhập.
Theo đó, lý do đề xuất tên gọi Đà Nẵng là thực hiện đúng nguyên tắc lựa chọn tên gọi tại Điều 7 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC năm 2025 và Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp".
Theo HĐND TP. Đà Nẵng, là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có tính thương hiệu cao và là một đô thị năng động, hiện đại, văn minh, với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch hàng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Việc lựa chọn tên gọi Đà Nẵng sẽ góp phần khẳng định rõ hơn tầm vóc, vai trò hạt nhân của thành phố, tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục thu hút đầu tư, nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập.
Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng đã khẳng định được thương hiệu du lịch quốc gia, với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Mỹ Khê, Ngũ Hành Sơn và các di sản văn hóa như Chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn... Việc chọn tên Đà Nẵng cho tỉnh mới sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng du lịch và dịch vụ, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế của khu vực.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn tên thành phố mới là một trong hai tên gọi đã tồn tại trước khi sáp nhập là giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa các tác động phát sinh đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc chuyển đổi giấy tờ, cập nhật thông tin địa lý và các thủ tục hành chính liên quan.
Về lý do đề xuất lựa chọn trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Đà Nẵng hiện tại, thực hiện đúng nguyên tắc lựa chọn trung tâm chính trị - hành chính tại Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp".
Đà Nẵng từng là trung tâm hành chính - chính trị trong giai đoạn lịch sử. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, để phù hợp với yêu cầu quản lý hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vào ngày 20/12/1975, Quốc hội khóa V, kỳ họp thứ 2 đã ra quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tạo thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, với Đà Nẵng là trung tâm hành chính.
TP. Đà Nẵng hiện tại có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với hệ thống bến cảng, đường sắt, đường bộ, sân bay kết nối với các vùng và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, thành phố có mạng lưới giao thông đường bộ phát triển bao gồm các tuyến Quốc lộ 1 và Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giúp kết nối với các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế và các khu vực khác của miền Trung. Hệ thống đường sắt Bắc - Nam đi qua thành phố, kết nối với các khu vực quan trọng khác trong cả nước, hỗ trợ vận tải hàng hóa và hành khách, đặc biệt là trong ngành du lịch và xuất nhập khẩu.
Cảng biển Tiên Sa của Đà Nẵng là một trong những cảng quan trọng của miền Trung, đóng vai trò là cửa ngõ thương mại quốc tế, giúp kết nối khu vực với các thị trường quốc tế và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của cả tỉnh mới. Sân bay Quốc tế Đà Nẵng là một yếu tố quan trọng trong việc kết nối thành phố với các tỉnh, thành lớn trong nước và quốc tế.
Hệ thống giao thông liên kết vùng của TP. Đà Nẵng sẽ giúp tối ưu hóa các cơ hội phát triển cho tỉnh mới, từ việc kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị đến phát triển du lịch và thương mại.
TP. Đà Nẵng là đô thị loại I, có vị trí chiến lược nằm ở trung tâm miền Trung Việt Nam, sở hữu tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ nhờ vào cơ sở hạ tầng hiện đại, với vị thế là trung tâm du lịch, công nghiệp và dịch vụ quan trọng của khu vực…
Việc lựa chọn TP. Đà Nẵng đặt trung tâm hành chính - chính trị sẽ giúp tối ưu hóa các cơ hội phát triển, kết nối các khu vực trong thành phố và nâng cao khả năng cạnh tranh của thành phố mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế khu vực miền Trung.
Theo Đề án sáp nhập, TP. Đà Nẵng mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 11.867km2, dân số 3.065.628 người, gồm 94 đơn vị hành chính cấp xã (23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa).