Masan bắt tay Alibaba, đưa bán lẻ tỉ USD cất cánh

Cái bắt tay giữa Masan và Alibaba được kỳ vọng sẽ thay đổi cơ bản cách vận hành của thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng của Việt Nam.

Phép tính của siêu thị + dữ liệu lớn

Tập đoàn Masan vừa công bố chuyển nhượng 5,5% cổ phần phát hành mới (tương đương 400 triệu USD) của The CrownX cho nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia (BPEA). Thông qua Giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành), tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2.150.000 đồng/ cổ phiếu). Sau đợt rót vốn, tỉ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%. Không chỉ có nhóm đầu tư Alibaba và BPEA, Masan còn đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược khác trị giá từ 300 – 400 triệu USD vào The CrownX. Giao dịch dự kiến hoàn tất trong năm 2021. Trong các giao dịch này, Masan vẫn hoàn toàn nắm cổ phần chi phối.

Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan Group.  
Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan Group.  

Thương vụ này có nhiều tính toán từ cả hai phía Masan và Alibaba với động lực là nhằm tận dụng cơ hội được tạo ra từ sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử. Hiện nay, gian hàng của Masan Consumer cũng đã xuất hiện trên nền tảng Lazada nhưng mới chỉ ở bước đầu thành lập và chỉ bán 2 sản phẩm chính gồm “Hộp quà Chin-su 7 món ngon” và “Thùng 24 hộp mì Omachi”. Masan Consumer chưa có gian hàng chính thức ở các sàn thương mại điện tử khác, mà chủ yếu được bán thông qua các hệ thống siêu thị và nhà bán nhỏ lẻ. Việc The CrownX bắt tay hợp tác với Alibaba thông qua Lazada sẽ giúp Masan Group tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng nền tảng điện tử  riêng. Tuy nhiên, nhìn ở quy mô lớn hơn, với sự hợp tác này, Vincommerce  (VCM – thành viên của Masan) có thể phục vụ người tiêu dùng sản phẩm thiết yếu trên nền tảng online. TheCrownX có thể tận dụng dữ liệu 20 triệu khách hàng của Lazada để gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng, gia tăng sự hiểu biết về khách hàng nhờ ứng dụng phân tích dữ liệu.

Thương mại điện tử là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các mặt hàng được phục vụ ở kênh thương mại điện tử chủ yếu là các mặt hàng không thiết yếu, giá trị cao và tần suất mua hàng thấp như thiết bị điện tử, thời trang, mỹ phẩm. Nhu yếu phẩm (đồ uống, thực phẩm) là lĩnh vực chiếm 50% thị trường bán lẻ và 25% chi tiêu của người tiêu dùng Việt lại chưa được phục vụ đúng cách trên kênh online. Vì thế, sức mạnh hiệp lực giữa điểm bán hiện hữu của VCM (2.500 điểm bán) và nền tảng online của Lazada sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành bán lẻ của Việt Nam diễn ra nhanh chóng hơn.

Cái bắt tay của hai ông lớn này cũng nhằm củng cố khả năng cạnh tranh nhằm chiếm ưu thế từ thị trường trực tuyến đang bùng nổ tại Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử tăng đều theo mỗi năm. Theo đó, nếu như năm 2018, tỷ trọng doanh thu của thương mại điện tử trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước đạt 3,6% thì năm 2019 con số này là 4,2 còn năm 2020 tỷ trọng này là 5,5%. Trong năm 2020, dù thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD.

Masan bắt tay Alibaba, đưa bán lẻ tỉ USD cất cánh - Ảnh 1

Thay đổi cuộc chơi bán lẻ

Bà Janice Leow, Giám đốc Điều hành tại BPEA không giấu kỳ vọng thương vụ sẽ giúp The CrownX phát triển và trở thành hệ thống sinh thái tiêu dùng bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam. Trong thị trường bán lẻ, WinMart (tên mới của hệ thống VinMart của Masan) đang phải đối đầu với Co.op Mart và Go, trong khi WinMart+ phải đối đầu với Bách hoá Xanh, Co.op Food và Satrafoods. Trong khi Lazada đối đầu với Shopee cũng như gặp cạnh tranh quyết liệt từ Shopee, Tiki, Sendo. Các đối thủ của Lazada ở mảng thương mại điện tử cũng có những lợi thế mạnh về thực phẩm, như Shopee đang cho đặt hàng qua ứng dụng Now. Hay Tiki đẩy mạnh ngành hàng tiêu dùng, trong đó có mảng thực phẩm tươi sống TikiNgon. “Thỏa thuận hợp tác chiến lược sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi The CrownX trở thành một Point of Life – nền tảng ‘tất cả trong một’ phục vụ các nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online”, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, cho biết về thương vụ với Alibaba.

Thị trường Việt Nam đang ghi nhận dòng dịch chuyển mạnh mẽ lên online của các nhà bán lẻ hàng thiết yếu, đặc biệt là các nhà bán lẻ có quy mô lớn. Ông Yol Phokasub, Giám đốc Điều hành Central Retail (CRC), cho biết tỉ lệ đóng góp doanh thu từ kênh trực tuyến ngày càng gia tăng. Từ cuối năm 2020, doanh số từ các kênh đa nền tảng của BigC, Nguyễn Kim đóng góp 5% và 8% doanh thu trên tổng doanh thu. Các hình thức thúc đẩy bán lẻ online của CRC như xây dựng các cửa hàng thương mại điện tử trên Lazada, Shopee và Tiki; hợp tác với các ứng dụng đặt hàng Grab, Chopp, Now.vn và Beamin; phát triển thương mại điện tử kết hợp mạng xã hội như Zalo. Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc của Bách Hóa Xanh, cũng cho biết, không chỉ có các điểm bán offline, Bách hóa Xanh cũng đang kỳ vọng và tập trung nguồn lực để phát triển mảng online. Trong tháng 6, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh sẽ đưa ra dịch vụ giao hàng trong vòng 2 tiếng, áp dụng từ Khánh Hòa đến tận Cà Mau.

Sau khi sáp nhập hệ thống cửa hàng Vinmart của Vincommerce, Masan đang tỏ ra quyết liệt hơn cả trong chiến lược đưa hàng thiết yếu lên online. Thực tế, Masan đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2015, doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ đóng góp khoảng 25% tổng doanh thu. Đây là một con số không hề nhỏ, như năm 2020, doanh thu thuần của Masan Consumer là hơn 22.000 tỉ đồng, với mục tiêu đề ra doanh thu mảng trực tuyến sẽ đóng góp không dưới 4.000 tỉ đồng/năm.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị VinMart.  
Khách hàng mua sắm tại siêu thị VinMart.  

Xu hướng trực tuyến của lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng ngày càng mạnh mẽ trên thế giới. Chẳng hạn, Walmart đầu tư 16 tỷ USD để thâu tóm 77% cổ phần tại Tập đoàn Flipkart để thâm nhập thị trường thương mại điện tử Ấn Độ. Đồng thời, việc thâu tóm Flipkart cũng tạo thêm sức mạnh để Walmart cạnh tranh trên sân chơi thương mại điện tử toàn cầu. Năm 2019, nhà bán lẻ hàng đầu của Anh Marks and Spencer (M&S) đã mua 50% cổ phần của Ocado (siêu thị trực tuyến tại Anh) với giá lên tới 994 triệu USD. Các mặt hàng thực phẩm gắn nhãn của M&S được bán trực tuyến trên Ocado từ tháng 9/2020.

Giới đầu tư đã nhìn ra tiềm năng này tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Vì vậy, tính đến ngày 17/5, mức định giá 7,3 tỷ USD sau khi phát hành cổ phần mới, The CrownX cao hơn cả quy mô vốn hóa của Masan (5,3 tỷ USD), chỉ kém chút so với Techcombank (vốn hóa 7,4 tỷ USD), nhưng vượt qua Masan Consumer Holdings (MCH) vốn hóa 3,6 tỷ USD, Masan MEATLife (MML) vốn hỏa chỉ đạt 0,9 tỷ USD.

Doan Trang

Theo Kinh doanh & Phát triển