Mới 10 tuổi tiết kiệm hơn 100 triệu, đầu tư chứng khoán lãi 75%
Nhờ được giáo dục về quản lý tài chính cá nhân từ sớm, cộng với việc đọc sách về tài chính giúp cho nhiều bạn nhỏ hiện nay chỉ 10 – 11 tuổi nhưng đã có tài khoản tiết kiệm khá lớn, đến cả trăm triệu, cùng với nhiều kênh đầu tư như chứng khoán với lợi nhuận khá cao
Có tài sản tiết kiệm và đầu tư từ sớm
Trần Nguyên Bảo (10 tuổi), ở Hà Nội chia sẻ, nhờ tìm hiểu về quản lý tài chính cá nhân và đọc sách, nên sớm có kiến thức về tiết kiệm, chi tiêu, và đầu tư. Hiện tài khoản tiết kiệm của Nguyên Bảo trong khoảng 3 năm gần đây đã hơn 100 triệu, số tiền được mẹ gửi tại ngân hàng và có lãi hàng tháng.
“Biết sớm kiến thức về tiền, quản lý tài chính giúp con lập được kế hoạch chi tiêu hợp lý, con chi tiền cho những thứ cần thiết trước, còn với những thứ mình chỉ mong muốn, con cân nhắc xem có thật sự cần hay không và thường để sau khoảng 1 tuần để xem sau đó mình còn muốn sở hữu món đồ đó không nữa”, Nguyên Bảo nói thêm.
Tương tự, Việt Dũng (10 tuổi), nhờ có bố làm trong ngành tài chính, nên em đã được biết các kiến thức về thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư từ khá sớm. Cộng với việc đọc những cuốn sách về tài chính cá nhân như Dạy con làm giàu, Pay back time (Ngày đòi nợ)…giúp cho Dũng có những khoản tiết kiệm và đầu tư từ lúc 9 tuổi.
“Ngoài tiết kiệm, con đang có tài khoản đầu tư chứng khoán, được sự hướng dẫn của bố, hiện con đang sở hữu cổ phiếu của một hãng hàng không tại Việt Nam. Mức lợi nhuận đạt được sau 3 tháng mua cổ phiếu của con đang là 75%”, Việt Dũng vui vẻ chia sẻ.
Mới đây, tại một chương trình về quản lý tài chính cá nhân cho các bạn nhỏ từ 8-11 tuổi mang tên “Tự lập Tài chính không chờ tuổi”, được tổ chức bởi VCBF và FIDT, các bạn nhỏ được tìm hiểu về thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư thông qua các tình huống thực tế và trò chơi. Các kiến thức từ chương trình giúp các bé lập kế hoạch chi tiêu, mua sắm thông minh và đầu tư, tạo dựng cho các bạn nhỏ thói quen và tư duy quản lý tài chính cá nhân từ sớm.
Bắt đầu học TCCN từ mấy tuổi là phù hợp?
Theo ThS Đỗ Thu Hồng, Chuyên gia giáo dục tài chính cá nhân cho trẻ em, hiện nay trong giáo dục học đường, kiến thức TCCN đã đưa vào một số bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo như Cánh diều từ năm lớp 4, tuy nhiên kiến thức còn khá sơ sài, và thời lượng ít, cũng như chỉ đề cập đến một số kiến thức cơ bản về tiết kiệm và chi tiêu.
Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng từ 7 tuổi, trẻ em là đã hình thành các thói quen về tài chính. Chính vì vậy, ở các nước phát triển, họ đào tạo kiến thức về tài chính cá nhân cho trẻ em từ 3-4 tuổi.
“Khoảng 6-7 tuổi các bố mẹ Việt hoàn toàn có thể cho con tiếp xúc với tiền, tiết kiệm và chi tiêu tiền, dần hình thành thói quen và tư duy về tài chính cá nhân”, ThS Hồng nhấn mạnh.
ThS Đỗ Thu Hồng cũng cho biết, khi các bạn nhỏ có được kiến thức về tài chính thông qua các khoá học, xem Youtube, đọc sách nhưng quan trọng hơn cả là phải có một môi trường để thực hành và rất cần sự đồng hành của bố mẹ. Do đó, bố mẹ có thể cho con làm quen với tiền qua một số hoạt động tài chính nhỏ như cho tiền tiêu vặt, lập kế hoạch chi tiêu cho 1 chuyến đi chơi, hay 1 chuyến mua sắm của gia đình… trong đó lưu ý hành vi tài chính của bố mẹ có tác động mạnh mẽ đến con trẻ.
Ths Hồng nêu ví dụ, cha mẹ nên cho con tiền tiêu vặt từ sớm, có thể từ tiền của bố mẹ hoặc tiền lì xì, tiết kiệm, hay kiếm được của con, việc làm này có 3 lợi ích. Thứ nhất để con học cách quản lý tiền bạc, cho phép con có sai sót với 1 số tiền nhỏ. Thứ 2, con sẽ rèn luyện thói quen cân nhắc để mua đồ theo nhu cầu hay theo mong muốn. Và thứ ba, chính các con sẽ trân trọng món đồ, sử dụng chúng hữu ích hơn, vì tiền đó là tiền tiết kiệm của mình, tiền lao động của bố mẹ.
Đồng quan điểm, bà Chi Nguyễn, Giám đốc Khối Tài chính Cá nhân, Công ty Cổ phần FIDT cho biết, việc trẻ em được giáo dục và biết sớm các kiến thức về tài chính cá nhân không chỉ giúp trẻ đơn thuần học và biết về tiền bạc, các kỹ năng về quản lý tiền, mà còn giúp trẻ học cách tự lập, tự quản lý chi tiêu trong cuộc sống, cũng như có trách nhiệm với đồng tiền của bản thân, của bố mẹ và dần dành hình thành tư duy kiểm soát tiền bạc.
“Về lâu về dài, việc này giúp tăng năng lực kiếm và giữ tiền rất tốt, đồng thời hình thành nên tư duy đúng về tiền, tránh xa các cạm bẫy, lừa đảo về tài chính như vay nợ tín dụng đen, vay nặng lãi”, bà Chi Nguyễn nói thêm.
Chị N.T.T(40 tuổi), một phụ huynh học sinh tại Hà Nội cho biết, gia đình chị có 2 bé, một bạn 8 tuổi và một bạn 9 tuổi, trước đây bố mẹ suy nghĩ các con còn khá nhỏ nên cũng chưa cho tiếp xúc nhiều với tiền. Tuy nhiên, hiện nay xã hội và các kênh truyền thông nói nhiều về vấn đề tài chính cá nhân, đồng thời các con cũng được tiếp xúc sớm hơn so với bố mẹ qua mạng xã hội. Vì vậy mà bố mẹ cũng phải có sự thay đổi, cho các con học tập về vấn đề quản lý tài chính sớm hơn, từ 7-8 tuổi. Việc này giúp con trẻ bắt kịp với sự phát triển của xã hội, nếu không may có va vấp về tiền bạc thì cũng được tự chủ hơn do đã có kiến thức và được thực hành.
“Bố mẹ thì không có nhiều kiến thức về tài chính cá nhân, nếu có thì cũng khá bản năng. Do đó, rất cần các lớp giáo dục về tài chính cá nhân hoặc đưa kiến thức nào vào chương trình học ở trường để các con có được tư duy đúng và đầy đủ”, chị T chia sẻ thêm.
Các chuyên gia Tâm lý học cho rằng, ngoài việc trang bị cho con trẻ, các bậc phụ huynh cần có những biện pháp giáo dục tài chính đúng đắn. Trước hết cần trang bị kiến thức về kinh tế, tài chính, quản lý tài chính trong gia đình để làm gương cho con. Trong quá trình thực hành nếu gặp phải những tình huống khó, cần tìm đến những chuyên gia, cố vấn về tài chính để tư vấn, giáo dục cho con em mình về lĩnh vực này.