Môi giới bất động sản lại tiếp tục “gặp khó”
Thị trường bất động sản khó khăn, thanh khoản sụt giảm, tâm lý người mua còn dè chừng khiến những người làm nghề môi giới lâm vào cảnh "thất nghiệp". Chưa hết khó khăn, mới đây Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã được Quốc hội thông qua có nhiều điểm đáng chú ý khiến đội ngũ môi giới lại tiếp tục "bế tắc".
Môi giới "lay lắt" trụ lại với nghề
Nhìn vào thực tế thì có thể thấy môi giới bất động sản chính là nghề có số lượng nhân viên sụt giảm nhiều nhất trong thời gian qua, đặc biệt là kể từ thời điểm đầu đến giữa năm 2023.
Còn nhớ, theo một báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tính đến tháng 6 vừa qua, số nhân lực làm nghề này giảm chỉ còn 30-40% so với cuối năm 2022. Rất nhiều nhân viên môi giới bất động sản đã bỏ nghề, chuyển nghề, chỉ còn lại một số ít đang trụ lại với nghề…
Cũng theo VARS, các doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỉ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên.
Tình trạng này còn "khủng khiếp" hơn đối với các công ty bất động sản nhỏ, một số công ty hiện nay chỉ còn duy nhất những người đứng đầu còn bám trụ, tự thân duy trì các hoạt động của công ty. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, đây là thách thức chung để sàng lọc những đơn vị môi giới không đủ năng lực.
Hay như khảo sát của Viên nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services cũng đã cho thấy, đến cuối tháng 6/2023, số lượng môi giới trên thị trường đã giảm 60-70% so với cuối năm 2022. Thị trường thiếu người bán hàng nghiêm trọng khi tỷ lệ môi giới bất động sản chuyển sang nghề khác vẫn ở mức cao. Khi khảo sát, vẫn có khoảng 10% môi giới sẵn sàng bỏ nghề, trong khi đó chỉ có 19% cho biết sẽ bám trụ và làm thêm công việc khác để có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Với nhân viên đã chuyển sang công việc khác, chỉ có 36% cho biết sẽ quay lại khi thị trường phục hồi. Có đến 52% người được khảo sát bày tỏ sự thất vọng với công việc và chưa có ý định quay trở lại trong năm nay.
Theo báo cáo về thị trường lao động quý 2/2023 của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cũng cho thấy, môi giới bất động sản là một trong số những nhóm nghề người lao động đi tìm việc nhiều nhất. Trong khi phần lớn các nghề khác bị ảnh hưởng chung bởi sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, gây thiếu hụt đơn hàng thì nghề môi giới bất động sản hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa thể hồi phục.
Từng là công việc thu hút nhiều lao động từ giai đoạn những năm 2018, nghề môi giới được cho là công việc có thu nhập cao. Thậm chí với những người có năng lực, việc đổi đời nhờ môi giới bất động sản là câu chuyện được nhắc đến rất nhiều. Chỉ với việc môi giới bán vài lô đất, một môi giới có thể "đút túi" hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Đây là một khoản tiền lớn mà nhiều ngành nghề khác khó có thể kiếm được trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, công việc môi giới bất động sản thậm chí không đòi hỏi nhiều về bằng cấp. Người tham gia các sàn giao dịch sẽ được đào tạo tại chỗ, thông qua các hội nhóm và sẵn sàng vào thị trường chỉ trong một thời gian ngắn. Do đó, vào thời điểm cuối năm 2022, khi thị trường đóng băng đã cắt đi nguồn thu nhập của các môi giới bất động sản. Hàng nghìn môi giới tham gia thị trường trong giai đoạn đỉnh điểm vào đầu năm đã phải nghỉ việc hoặc làm song song nhiều việc chờ thị trường hồi phục.
Chính những sự khó khăn của thị trường chung, khiến các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bất động sản phải đồng loạt cắt giảm nhân sự. Với những môi giới còn bám trụ lại với nghề thì hầu như đều bị sụt giảm về thu nhập. Một khảo sát của VARS đã chỉ ra, có hơn 95% người được khảo sát có thu nhập giảm so với năm trước. Trong đó, hơn 14% cho biết thu nhập của họ giảm 20-30% so với cùng kỳ. Hơn 54% cá nhân ghi nhận mức tụt giảm 30-40%. Cá biệt có khoảng 5% môi giới bị giảm trên 70% thu nhập.
Với việc bị giảm mạnh thu nhập, nếu thị trường không sớm hồi phục, nhiều nhận định cho thấy lượng môi giới bất động sản nghỉ việc hoặc bị cắt giảm trong giai đoạn cuối năm sẽ còn tiếp tục tăng.
Khó lại càng thêm khó
Chưa hết "bàng hoàng" khi thị trường rơi vào khó khăn, thậm chí không ít người phải chuyển nghề để kiếm sống thì mới đây, lực lượng môi giới bất động sản lại nhận một tin không mấy tích cực.
Cụ thể, Quốc hội vừa mới thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trong đó, Điều 61 của Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định và phải đáp ứng các điều kiện: Phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản; phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ; có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản.
Ngoài ra, trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Luật này.
Điều 61 Luật này cũng quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Bên cạnh đó, Điều 62 của Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi quy định, môi giới tìm kiếm đối tác đáp ứng các điều kiện của khách hàng để tham gia đàm phán, ký hợp đồng. Môi giới bất động sản đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
Đồng thời, môi giới bất động sản cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các bên trong việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), để thị trường bất động sản phát triển thực sự lành mạnh, bền vững, Chính phủ cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, nghiên cứu, xây dựng kênh thông tin, dữ liệu chính thống về bất động sản. Đồng thời, cần có cơ chế pháp luật ràng buộc về vai trò, trách nhiệm của môi giới bất động sản trong việc tư vấn, cung cấp thông tin.
Thực tế hiện nay, số lượng môi giới bất động sản tại Việt Nam theo đúng nghĩa vẫn còn hạn chế, phần nhiều vẫn là những người làm trung gian mua bán, chuyển nhượng Bất động sản theo kiểu "cò đất".
Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, hiện nay có khoảng 200.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên, chỉ 40.000 người có chứng chỉ môi giới bất động sản, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản./.