Môi giới bất động sản lo năm nay “không có Tết”

Trước những diễn biến của thị trường bất động sản, nhiều môi giới không có việc làm và rơi vào cảnh thất nghiệp nhiều tháng và đang lo năm nay “không có Tết”.

Theo một số chuyên gia bất động sản dự báo, cuối năm nay, tình hình của thị trường bất động sản cũng chưa có gì mới, thậm chí còn “đuối” hơn so với cuối năm 2021. Điều này đồng nghĩa với việc, môi giới bất động sản đã khó khăn lại càng lo lắng hơn nhất là vào thời điểm giáp Tết khi thu nhập của bản thân bấp bênh.

Nhiều môi giới bất động sản đang lo năm nay “không có Tết”.
Nhiều môi giới bất động sản đang lo năm nay “không có Tết”.

Mới đây, theo chia sẻ của chị Mỹ Hạnh, nhân viên môi giới của một sàn bất động sản tại TP Thủ Đức, TP.HCM, từ khi ngân hàng siết tín dụng bất động sản cho đến nay thì giao dịch bất động sản tại văn phòng của chị giảm đáng kể. Từ hồi đầu năm 2022 vẫn có giao dịch tuy ít nhưng 6 tháng gần đây, cả văn phòng không ghi nhận bất cứ giao dịch nào thành công. Cũng từ đó đến nay, nhiều nhân viên cũng xin nghỉ việc để tìm công việc mới phù hợp và có thu nhập.

Mặc dù đang là thời điểm cận Tết, anh Quyết, một nhân viên môi giới cho một sàn bất động sản tại khu Đông Sài Gòn cho biết, anh không kì vọng vào lương hay thưởng Tết cuối năm mà chỉ mong sao từ giờ đến cuối năm bán được hàng để có hoa hồng. Đây cũng là điều không dễ ở giai đoạn này bởi suốt 3 tháng nay anh không có giao dịch, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập với nhiều lo toan cuộc sống bởi anh là lao động chính trong nhà.

Là một môi giới tự do, không áp lực về chỉ tiêu nhưng cũng giống anh Quyết, anh Quốc Bảo vừa chia sẻ vừa “thấp thỏm” lo âu khi Tết cận kề bởi gánh nặng kinh tế khi mà mấy tháng nay anh không bán được hàng và không có thu nhập. Ngày Tết càng tới gần thì nỗi lo “cơm áo gạo tiền” lại càng tăng lên nhiều hơn.

Cũng theo anh Quốc Bảo, trước đây, khi thị trường trầm lắng đã có khoản tài chính dự trữ trước đó, còn thời gian, thị trường gặp khó kéo dài, không có nguồn dự trữ nên sống được với nghề là khá khó khăn thời điểm này. Thời gian qua, anh phải vừa làm vừa phụ gia đình kinh doanh kiếm thêm thu nhập chứ nếu hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập từ môi giới thì khó lòng trụ nỗi.

Nói về thị trường bất động sản trong thời gian tới, anh Quốc Bảo cho rằng, thực tế nhu cầu mua bất động sản để đầu tư hoặc ở còn khá lớn trên thị trường nhưng hiện nay họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Từ việc không thể vay ngân hàng hoặc khó khăn trong việc vay khiến nhiều người chấp nhận câu chuyện chờ đợi thêm hoặc không bỏ thêm tiền vào bất động sản, điều này đã khiến thị trường bất động sản trầm lắng.

Trên thực tế, không chỉ môi giới bất động sản gặp khó mà nhiều nhà đầu tư cũng đang như “ngồi trên đống lửa” khi thị trường gặp khó về thanh khoản. Đáng nói hơn khi hiện nay có khá nhiều môi giới bất động sản vừa làm môi giới vừa là nhà đầu tư vì vô tình “lướt sóng”. Bởi khi thị trường biến động, những môi giới có dòng tiền mỏng hoặc chỉ tham gia lướt sóng nhưng gặp khó thanh khoản bán không được.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản cuối năm 2022 còn nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn cung hạn chế, thanh khoản không biến động mạnh. Rất có thể, nếu chính sách tín dụng không “cởi mở” hẳn, tình trạng bán lỗ, bán dưới giá vốn bất động sản sẽ diễn ra mạnh hơn vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Các chuyên gia nhận định, thanh khoản lao dốc, dòng tiền thiếu hụt, loay hoay tìm kiếm kênh huy động vốn đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản khốn đốn chạy lo chi phí duy trì hoạt động.

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp đang đối mặt nguy cơ “nghỉ ngơi” khi không có giao dịch, thanh khoản giảm sâu. Gánh nặng vận hành buộc các công ty phải bán bớt tài sản, dự án, chấp nhận chiết khấu giảm sâu từ 40-50% giá trị hợp đồng để tìm khách mua.

Cùng với đó, tình trạng thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng hoặc hoãn hoạt động thi công dự án, không triển khai dự án mới và ngưng phát hành cổ phiếu đang gia tăng… Không ít doanh nghiệp phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.

Trước tình hình này, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại đã tạm nộp tiền sử dụng đất để đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường. Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tăng thanh khoản.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư có thể được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội. Việc tạo điều kiện hay chọn lọc các doanh nghiệp bất động sản đủ năng lực, uy tín để cho vay là phù hợp tại thời điểm này.

K.C

Theo Chất lượng và cuộc sống