Một phân khúc bất động sản đang thay đổi 'cuộc chơi' bán lẻ tại Việt Nam

Đây là nhận định của chuyên gia Savills Việt Nam về thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua.

Thời gian qua, Mặt bằng bán lẻ tại TP. HCM và Việt Nam nói chung đang là một phân khúc đầu tư hiệu quả với công suất hoạt động cao.

Theo nghiên cứu mới công bố tháng 6 của PwC về hành vi người tiêu dùng tại Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam nổi bật với tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất khu vực, đạt 67% nhờ sự phổ biến của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee và Lazada. Mặc dù vậy, mua sắm tại cửa hàng vẫn mạnh mẽ với 63%. Khảo sát này được thực hiện với hơn 7.200 người tiêu dùng.

Bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc Cấp cao dịch vụ Cho thuê Thương mại Savills Việt Nam cho biết, tại TP. HCM và Hà Nội, mỗi thành phố có khoảng 1,5 triệu m2 diện tích bán lẻ cho thuê, luôn duy trì công suất hoạt động trên 90% trong nhiều năm qua. Điều này chứng tỏ mô hình trung tâm thương mại quy mô lớn vẫn rất hấp dẫn.

Hiện nay, đầu tư vào trung tâm thương mại quy mô lớn từ 100.000m2 sàn trở lên (mega-mall) đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện nay, đầu tư vào trung tâm thương mại quy mô lớn từ 100.000m2 sàn trở lên (mega-mall) đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hiện nay, đầu tư vào trung tâm thương mại (TTTM) quy mô lớn từ 100.000m2 sàn trở lên (mega-mall) đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như Vincom, Aeon Mall, và sắp tới là Central Pattana từ Central Group.

"Đối với các chủ đầu tư trong nước, thế mạnh lớn nhất là sự hiểu biết về người tiêu dùng và quỹ đất hiện có. Ngược lại, các chủ đầu tư nước ngoài như Aeon và Central Retail có kinh nghiệm lâu năm và danh tiếng trong khu vực, khi vào thị trường Việt Nam, họ vẫn giữ vững thế mạnh này", bà An phân tích.

Bà An cũng nhấn mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm và danh tiếng, trong khi các nhà đầu tư Việt Nam có lợi thế về quỹ đất. Uy tín và kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng trong phát triển và vận hành bán lẻ. Với nhà đầu tư Việt Nam, quỹ đất hiện có giúp họ đảm bảo sự phát triển trong lĩnh vực bán lẻ.

Bên cạnh những tiềm năng phát triển hấp dẫn, các nhà phát triển cần chú ý đến nhiều yếu tố để các trung tâm thương mại vững chắc trong môi trường bán lẻ đầy biến động hiện nay.

"Từ góc độ của một đơn vị tư vấn cho thuê bất động sản bán lẻ, tôi nhận thấy trở ngại lớn nhất trong việc phát triển và vận hành các trung tâm thương mại quy mô lớn là chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Điều này không chỉ nằm ở kế hoạch phát triển ban đầu mà còn ở chiến lược marketing và chiến lược cho thuê," bà Từ Thị Hồng An chia sẻ.

Bà An nhấn mạnh, sự nhất quán trong chiến lược phát triển, marketing và cho thuê là yếu tố quan trọng, chứng tỏ sự đầu tư tập trung của chủ đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh mặt bằng bán lẻ.

"Thực tế cho thấy, khi các nhà bán lẻ chuyên nghiệp và các nhà kinh doanh mặt bằng bán lẻ có chuỗi kinh doanh khác nhau, sẽ tạo ra cách vận hành đặc thù và nhất quán. Điều này tạo sự tin tưởng cho các nhà bán lẻ khi kinh doanh tại các trung tâm thương mại. Lợi thế này thể hiện rõ khi khách thuê cân nhắc lựa chọn chuỗi trung tâm thương mại với những trung tâm chỉ có một dự án duy nhất, tạo được chuỗi khách hàng trung thành," bà An phân tích.

Qua nghiên cứu về mô hình hoạt động của các TTTM, chuyên gia Savills nhận thấy có sự dịch chuyển trong ngành hàng để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Ngành hàng ăn uống tăng tỷ trọng, trong khi ngành hàng thời trang và bán lẻ có xu hướng giảm.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống