Mục sở thị nơi sẽ 'nhường chỗ' cho nút giao kết nối tổ hợp ga 19 nghìn tỷ của Thủ đô
Tổ hợp ga Ngọc Hồi - nơi là nút giao kết nối đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được xây dựng trên diện tích 1,7km2 thuộc huyện Thanh Trì (TP. Hà Nội) với tổng mức đầu tư 19.000 tỷ đồng.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên của TP. Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư năm 2004 với tổng vốn đầu tư 19.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và trong nước.
Dự án này sau đó đã được Bộ GTVT phê duyệt giai đoạn 1 năm 2008 và điều chỉnh dự án trong năm 2017; trong đó, khu tổ hợp ga Ngọc Hồi thuộc giai đoạn 1 của dự án.
Trong giai đoạn 1 của dự án này sẽ tập trung xây dựng khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi, mục đích nhằm hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát hiện nay, đầu tư một số khu chức năng cho tuyến đường sắt tương lai.
Theo như quy hoạch, Tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ được xây dựng trên diện tích 1,5km3 trên tổng diện tích 1,7km2 quy hoạch, còn lại sẽ là diện tích làm đường sắt, đường bộ kết nối. Hiện nay nơi đây vẫn là bãi đất trống rộng, chủ yếu là các ao hồ, cánh đồng, một phần diện tích là nhà cửa, bãi đậu xe, nhà xưởng và làng xóm với cư dân đông đúc.
Khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ thuộc địa giới hành chính các xã Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hồi, Liên Ninh (huyện Thanh Trì) và xã Duyên Thái (huyện Thường Tín).
Phía Đông của khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi giáp với cụm công nghiệp Ngọc Hồi; phía Tây giáp với khu phát triển đô thị; phía Bắc giáp với đường Vành đai 3, 5 (đường quy hoạch) và phía Nam giáp với đường Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh.
Do vị trí đặc thù tiếp giáp với khu dân cư và nhiều hình thái mặt bằng nên việc giải phóng mặt bằng gặp không ít khó khăn. Dự án ga Ngọc Hồi bị ảnh hưởng, chậm triển khai do công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư và giải ngân vốn chậm so với kế hoạch.
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ là nơi dừng chân của các tuyến đường sắt quốc gia thông thường (đường sắt Bắc - Nam hiện có và đường sắt Vành đai phía Đông, phía Tây trong tương lai) cùng các tuyến đường sắt đô thị như Yên Viên - Ngọc Hồi hay Nội Bài - Ngọc Hồi...
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên của TP. Hà Nội được định hướng ban đầu là tuyến đường sắt xuyên tâm nhằm đáp ứng chức năng đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị.