MWG lãi hơn 10 tỷ đồng mỗi ngày, chuỗi AvaKids 'mang tiền về cho mẹ'
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 với doanh thu thuần đạt 34.574 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí vốn, lợi nhuận gộp tăng nhẹ 6,5%, đem về 6.587 tỷ đồng.
Quý này, doanh thu tài chính của MWG tăng nhẹ 5% lên 636 tỷ đồng, chi phí tài chính được tiết giảm 55% xuống 189 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt 237% lên hơn 916 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của MWG đạt 852 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần so với mức nền thấp cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần của MWG ghi nhận đạt 134.341 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Khoản lợi nhuận sau thuế đạt giá trị 3.733 tỷ đồng, cao gấp hơn 22 lần so với nền thấp cùng kỳ 2023, tính ra MWG lãi hơn 10,2 tỷ đồng mỗi ngày trong năm qua.
Với kết quả đạt được, MWG đã vượt 7% kế hoạch doanh thu và vượt tới 56% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm đề ra.
Về cơ cấu doanh thu các mảng, chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ, bao gồm Topzone) đóng góp 30.000 tỷ đồng và Điện Máy Xanh (ĐMX) đóng góp 59.500 tỷ đồng, lần lượt chiếm 22,4% và 30,6% tổng doanh thu.
Lãnh đạo MWG đánh giá, trong năm 2024, thị trường bán lẻ điện thoại hầu như đi ngang và chỉ tăng nhẹ ở một số ngành hàng điện lạnh. Dù vậy, công ty vẫn đạt được mức tăng trưởng cao hơn thị trường dù hoạt động ít hơn 221 cửa hàng so với cuối 2023, tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ hơn 10%. Hầu hết ngành hàng đều tăng trưởng dương từ 5% - 30%, đặc biệt là ngành hàng điện lạnh và điện thoại đạt mức tăng trưởng 2 chữ số; hiệu quả kinh doanh cải thiện đáng kể và là trụ cột chính đóng góp lợi nhuận cho công ty.
Chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) đạt hơn 41.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2024, tăng trưởng 30% so với 2023. Kênh online phục vụ hơn 3 triệu lượt giao dịch thành công và đóng góp hơn 925 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,3% trong tổng doanh thu của BHX. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng năm 2024 đạt 2 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Nhờ đó, chuỗi đã có lãi cấp độ công ty sau 2 năm tái cấu trúc toàn diện.
Chuỗi An Khang ghi nhận doanh thu cả năm đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ. Trong năm 2024, công ty tiến hành đóng các cửa hàng không hiệu quả, tập trung tăng doanh thu trên cửa hàng thông qua việc rà soát lại danh mục, trưng bày và chất lượng tư vấn bán hàng. Trong quý IV/2024, doanh thu bình quân/cửa hàng tăng 15% so với mức trung bình 2 quý liền trước và mức lỗ đã giảm đáng kể so với các quý còn lại trong năm.
Avakids mang về doanh thu gần 1.200 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ dù không mở mới cửa hàng. Kênh online đóng góp gần 50% tỷ trọng trong tổng doanh thu chuỗi. Avakids tiếp tục là chuỗi bán lẻ sản phẩm mẹ và bé có doanh thu bình quân cao nhất Việt Nam, đạt 1,8 tỷ đồng/cửa hàng vào cuối năm.
Chuỗi EraBlue tại Indonesia ghi nhận doanh thu tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ. Doanh thu bình quân/cửa hàng là 2,8 tỷ đồng. Sau 2 năm phát triển tại Indonesia với 87 cửa hàng đang hoạt động, nhờ vào danh mục sản phẩm phù hợp, giá bán cạnh tranh, mô hình dễ tiếp cận và chi phí được tối ưu ngay từ ban đầu, chuỗi đã chính thức có lãi tại cấp độ công ty kể từ quý II/2024.
Bách hóa Xanh đặt mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD trước năm 2030
Về định hướng năm 2025, MWG cho hay kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tích cực hơn so với năm 2024. Tuy nhiên, các rủi ro vĩ mô và biến động trên thế giới có thể ảnh hưởng đáng kể đến môi trường kinh doanh trong nước, sức mua và niềm tin tiêu dùng của người dân. Do đó, ngành bán lẻ đang phục hồi chậm và chưa đạt mức tăng trưởng trước đại dịch. Do đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất năm 2025 đạt 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất mục tiêu đạt 4.850 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 30% so với thực hiện năm 2024.
Năm 2025, MWG xác định các chuỗi TGDĐ (bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh vẫn là trụ cột đóng góp hơn 60% doanh thu và mang lại phần lớn lợi nhuận cho tập đoàn. Chuỗi này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 4.000 tỷ đồng và tiếp tục gia tăng thị phần trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa khởi sắc. Đối với kênh offline, công ty không có định hướng mở mới cửa hàng nhưng có thể thay thế để vận hành khác biệt, tối ưu hơn; tập trung vào tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ.
Topzone được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chiến lược là cầu nối hợp tác giữa MWG và Apple, giúp công ty hiện thực hóa mục tiêu đạt tổng doanh thu 1 tỷ USD từ bán lẻ các sản phẩm Apple trong hệ thống cửa hàng TGDĐ, Topzone và Điện Máy Xanh vào năm 2027.
Đối với mảng bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng, năm 2025, BHX tiếp tục được xác định là động lực tăng trưởng chính, đóng góp hơn 30% doanh thu và mang lại lợi nhuận đáng kể cho tập đoàn.
Tăng trưởng doanh thu của BHX mục tiêu tối thiểu 7.000 tỷ đồng và mở rộng thị trường thông qua: tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ bằng các giải pháp chuyên biệt cho từng nhóm cửa hàng đặc thù; mở mới 200-400 cửa hàng ở cả vùng đang kinh doanh và các tỉnh mới khu vực Miền Trung. Chất lượng điểm bán là mục tiêu số 1, không phải số lượng cửa hàng. Cùng với đó, tăng trưởng doanh thu online tối thiểu 300% so với 2024 và trở thành chuỗi bán lẻ có doanh thu online lớn nhất.
Ban lãnh đạo MWG cũng cho biết tầm nhìn của BHX là chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam với doanh thu 10 tỷ USD trước năm 2030.
Với mảng bán lẻ dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chuỗi nhà thuốc An Khang đặt mục tiêu tiếp tục xác định tập trung vào “chất” của từng nhà thuốc và đặt mục tiêu đạt điểm hòa vốn vào quý II/2025, sau đó cân nhắc việc mở rộng chậm và chắc.
Năm 2025, Avakids tiếp tục mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 10% và đặt mục tiêu bắt đầu đóng góp lợi nhuận cả năm cho tập đoàn. Chuỗi không chú trọng mở rộng điểm bán, các cửa hàng đóng vai trò là điểm trưng bày hàng hóa, xây dựng thương hiệu và bán hàng offline. Thay vào đó, định hướng phát triển của Avakids là trở thành chuỗi bán lẻ online các sản phẩm mẹ và bé để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới với dự kiến doanh thu từ online sẽ chiếm từ 50% trở lên tổng doanh thu của chuỗi.
Với mảng bán lẻ sản phẩm điện máy tại Indonesia – chuỗi Erablue, sau khi chính thức trở thành nhà bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia, mục tiêu của chuỗi Erablue trong năm 2025 là: tiếp tục mở rộng, dự kiến vận hành tổng cộng 150 cửa hàng vào cuối năm 2025; tăng trưởng tổng doanh thu trên 50% và bắt đầu đóng góp lợi nhuận cả năm cho tập đoàn.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Erablue sẽ tập trung vào việc tìm kiếm cơ hội cải thiện biên lợi nhuận gộp từ mua hàng trực tiếp, mua hàng quy mô lớn, đa dạng hóa danh mục sản phẩm; tối ưu chi phí vận hành; đào tạo và nâng cao năng lực bán hàng cho nhân viên; xây dựng và phát triển kênh bán hàng online.