Mỹ gửi 'tối hậu thư': Campuchia, Thái Lan chịu thuế 36%; Lào, Myanmar lên tới 40%

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/7 đã thông báo với các đối tác thương mại, từ những nhà cung cấp lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc cho đến các nền kinh tế nhỏ hơn, rằng mức thuế quan tăng mạnh của Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại mà ông khởi động hồi đầu năm nay.

14 nước nhận được “tối hậu thư”

Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư thông báo áp thuế tới 14 quốc gia, bao gồm cả những nước có kim ngạch xuất khẩu nhỏ sang Mỹ như Serbia, Thái Lan và Tunisia.

Trong các bức thư công bố trên nền tảng Truth Social, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng bất kỳ hành động trả đũa nào từ phía các nước này đều sẽ đối mặt với phản ứng tương xứng từ Washington.

Mỹ gửi 'tối hậu thư': Campuchia, Thái Lan chịu thuế 36%; Lào, Myanmar lên tới 40% - Ảnh 1
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt giơ cao bản sao bức thư gửi Nhật Bản, có chữ ký của Tổng thống Trump, thông báo áp dụng mức thuế 25% có hiệu lực từ ngày 1/8, trong cuộc họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng vào ngày 7/7. (Ảnh: Andrew Harnik/Getty Images)

Ông cũng cảnh báo trong thư gửi riêng Nhật Bản và Hàn Quốc: “Nếu vì bất kỳ lý do gì các ông quyết định tăng thuế, thì mức tăng đó sẽ được cộng thẳng vào mức 25% mà chúng tôi hiện đang áp dụng”.

Theo đó, mức thuế quan mới sẽ chính thức có hiệu lực từ 0h01 ngày 1/8, sau khi Nhà Trắng ban hành sắc lệnh hành pháp gia hạn thời điểm áp dụng. Đáng chú ý, các mức thuế này sẽ không cộng dồn với các mức thuế theo ngành đã áp dụng trước đây (như ô tô, thép, nhôm). Ví dụ, thuế nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản sẽ vẫn giữ ở mức 25%, thay vì tăng lên 50% theo cơ chế thuế tương hỗ.

Cụ thể, trong tuyên bố cuối ngày 7/7, ông Trump cho biết Mỹ sẽ áp các mức thuế mới như sau:

25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Tunisia, Malaysia và Kazakhstan; 30% đối với Nam Phi, Bosnia & Herzegovina; 35% đối với Serbia và Bangladesh; 36% đối với Campuchia và Thái Lan; 40% đối với Lào và Myanmar

Lý do được Tổng thống Trump đưa ra là lo ngại về thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các quốc gia này. Ông khẳng định các mức thuế được áp dụng nhằm phản ứng trước những chính sách mà ông cho là đang gây cản trở cho hàng hóa Mỹ thâm nhập thị trường nước ngoài. Đồng thời, ông khuyến khích các quốc gia chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ nếu muốn tránh thuế.

Theo CNN, trong năm 2024, 14 quốc gia nhận thư áp thuế đã xuất khẩu tổng cộng 465 tỷ USD hàng hóa vào Mỹ, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc (lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ 6 và 7 của Mỹ) chiếm tới 60% tổng giá trị, tương đương 280 tỷ USD.

Một số nước còn lại cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ. Nam Phi (chịu mức thuế 30%) là nguồn cung cấp bạch kim lớn nhất cho Mỹ, chiếm một nửa tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2024.

Malaysia, với mức thuế mới là 25%, là nhà cung cấp chất bán dẫn lớn thứ hai của Mỹ, đạt giá trị nhập khẩu khoảng 18 tỷ USD năm ngoái.

Bangladesh, Indonesia và Campuchia là những trung tâm sản xuất hàng may mặc và phụ kiện lớn, đóng vai trò then chốt trong ngành thời trang Mỹ.

Mỹ gửi 'tối hậu thư': Campuchia, Thái Lan chịu thuế 36%; Lào, Myanmar lên tới 40% - Ảnh 2
Danh sách các mức thuế mới mà Mỹ áp với 14 nước theo thư thông báo của ông Trump (cột chữ màu đỏ), so với mức từng đe dọa trước đó - Ảnh: NEW YORK TIMES

Kể từ khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại toàn cầu vào tháng 4, các quốc gia đang gấp rút tìm cách đạt được thỏa thuận với Mỹ trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu chao đảo và các nhà hoạch định chính sách phải nỗ lực bảo vệ nền kinh tế của họ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết vào đầu ngày 7/7 rằng ông kỳ vọng sẽ có một số thông báo về kết quả đàm phán thương mại trong vòng 48 giờ tới, đồng thời tiết lộ rằng hộp thư điện tử của ông “ngập tràn những đề xuất cuối cùng” từ các quốc gia.

EU và BRICS: Đối đầu hoặc thỏa hiệp

Một nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ với Reuters rằng EU sẽ không nhận được thư thông báo về mức thuế cao hơn. Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu xác nhận khối này vẫn đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 9/7, sau khi Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen và ông Trump có một “cuộc trao đổi tích cực”.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu sẽ có bước đột phá nào thực sự trong nỗ lực ngăn chặn đợt tăng thuế mới nhắm vào đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ hay không.

Liên minh châu Âu hiện đang phân vân giữa việc thúc đẩy một thỏa thuận nhẹ nhàng và nhanh chóng, hay tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để đàm phán một kết quả có lợi hơn. Trên thực tế, khối này đã từ bỏ mục tiêu đạt thỏa thuận toàn diện trước thời hạn tháng 7.

Cổ phiếu tại Mỹ đồng loạt giảm, phản ánh lo ngại gia tăng từ thị trường trước các động thái thương mại của Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters)
Cổ phiếu tại Mỹ đồng loạt giảm, phản ánh lo ngại gia tăng từ thị trường trước các động thái thương mại của Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump cũng tuyên bố có thể áp thuế 17% đối với các mặt hàng thực phẩm và nông sản từ EU.

Không dừng lại ở đó, ông còn cảnh báo các lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, đang họp tại Brazil, ,rằng nếu họ theo đuổi các chính sách “chống Mỹ”, Mỹ sẽ áp thêm 10% thuế quan. Nhóm BRICS hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc cùng một số quốc gia khác.

Cổ phiếu tại Mỹ đồng loạt giảm, phản ánh lo ngại gia tăng từ thị trường trước các động thái thương mại của Tổng thống Trump, vốn nhiều lần gây chao đảo thị trường tài chính toàn cầu.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, mức giảm lớn nhất trong 3 tuần qua. Cổ phiếu của các hãng ô tô Nhật Bản niêm yết tại Mỹ cũng chịu tác động nặng nề, với Toyota giảm 4% và Honda mất 3,9%. Đồng USD tăng giá so với đồng yên Nhật và won Hàn Quốc.

Ông Brian Jacobsen, nhà kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management, bình luận: “Việc nói quá nhiều về thuế quan đã hút cạn sinh khí của thị trường”.

Hải Đăng

Theo Vietnamfinance