Năm 2020 tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 11%
Thông tin tại cuộc họp sáng 24/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tín dụng ...
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú.
Nhu cầu tín dụng suy yếu do Covid-19
NHNN cho biết, cơ quan này đã chủ động điều hành hợp lý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức độ mức hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế sau dịch. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019. Theo Phó Thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú, năm 2020 dự báo tăng trưởng tín dụng ở mức 11%. Năm 2021, dự kiến kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức 12% do Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, vì vậy các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu về vốn. Về chính sách tỉ giá, ông Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ điều hành tỉ giá theo hướng linh hoạt, ổn định, trên cơ sở cân đối cung-cầu ngoại tệ, giám sát hệ thống tài chính và chống đô la hóa. Đây cũng là cơ chế điều hành phù hợp với các nguyên tắc thị trường, sử dụng tỉ giá trung tâm, có tăng, có giảm theo tình hình thực tiễn.
Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm và ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp mà vẫn tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng. Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168 nghìn khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Thanh toán không dùng tiền mặt đạt tăng trưởng ấn tượng
Theo thông tin từ NHNN, đến cuối tháng 10 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019). So cùng kỳ năm 2016, trong 10 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 83,67% về số lượng và 135,04% về giá trị; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet tăng 276,4% và 343%; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 1.037% và 972,5%. NHNN đánh giá đây là tốc độ tăng trưởng ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu.
Hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công được đẩy mạnh, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời. Đến nay, 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 98,6% trên tổng số thu Ngân sách Nhà nước của cơ quan hải quan được thực hiện qua phương thức điện tử; doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%… Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của NHNN cũng đạt kết quả tích cực. NHNN tiếp tục đứng đầu các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 và là năm thứ 5 liên tiếp đứng đầu trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam ở vị trí 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với Doing Business 2019 và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, thứ 2 trong khu vực châu Á (chỉ sau Brunei), hoàn thành mục tiêu tăng ít nhất một bậc mà Chính phủ yêu cầu.
Liên quan tới vấn đề nợ xấu, đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2% nhưng Phó Thống đốc NHNN cho biết đây là tất yếu khách quan và thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm. Nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó giải pháp thu hồi nợ được các tổ chức tín dụng nỗ lực thực hiện đạt kết quả tích cực, chứng minh sự đúng đắn, hiệu quả của Nghị quyết 42.
Chính những kết quả này đã giúp nâng mức triển vọng xếp hạng các tổ chức tín dụng Việt Nam trong các năm gần đây và trong năm 2020, có 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất châu Á-Thái Bình Dương và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) xếp hạng thứ 29/500, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm 2017.