Năm 2023, Hòa Bình đặt kế hoạch trúng thầu 17.000 tỷ đồng
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch năm 2023 với doanh thu đạt 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng và chỉ tiêu trúng thầu 17.000 tỷ đồng.
Năm 2022, Hòa Bình báo lỗ 2.575 tỷ đồng
Ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT Hòa Bình cho biết, đầu năm 2022 tình hình kinh tế trong nước bắt đầu tăng trưởng trở lại sau đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản đầu năm có những dấu hiệu tích cực. Tiếp nối kết quả tích cực từ các chuỗi hoạt động tái cấu trúc năm 2021, Hòa Bình đưa ra các kế hoạch hoạt động để bắt nhịp cùng nền kinh tế, khởi công xây dựng nhiều dự án lớn, trọng điểm.
Thế nhưng lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng lên những mức cao nhất trong lịch sử khiến Ngân hàng Trung ương nhiều nước chuyển chính sách từ nới lỏng tiền tệ sang thắt chặt tiền tệ, trong đó, lãi suất nâng lên mặt bằng mới.
Tại Việt Nam, lãi suất cho vay bất động sản lên khoảng 11-12%/năm. Đồng thời, ngân hàng kiểm soát và siết chặt tín dụng đối với bất động sản, đặc biệt là bất động sản có tính đầu cơ, phân khúc cao cấp và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ trái phiếu được kiểm soát chặt hơn, nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, với tổng giá trị mua lại lên đến 35,5 ngàn tỷ đồng. Thị trường bất động sản bị mất thanh khoản.
Chưa dừng ở đó, nhiều chủ đầu tư vi phạm pháp luật, nhiều dự án bất động sản bị thanh tra nên việc triển khai thi công của Hòa Bình bị ảnh hưởng lớn. Dòng tiền bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc tạm dừng thi công, chậm thanh quyết toán và công nợ cũ chưa thể thu hồi.
Điều này dẫn đến doanh thu sút giảm do các dự án chậm hoặc tạm dừng triển khai. Lợi nhuận sụt giảm do doanh thu giảm bên cạnh các loại chi phí (nguyên vật liệu, nhân công, tài chính, trích lập dự phòng) đều tăng cao.
Kết thúc năm 2022, Hòa Bình đạt 14.148 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24,6% so với năm 2021 và lỗ sau thuế 2.575 tỷ đồng - xóa đi thành quả lợi nhuận của nhiều năm trước đó. Với kết quả này, công ty không chia cổ tức.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Hòa Bình có sự xuất hiện của ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons; ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng Central; ông Nguyễn Khắc Đồng, Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng An Phong. Đây là đại diện cho những đối tác trong liên minh các nhà thầu Hoa Lư đấu thầu dự án sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng.
Thượng tầng liên tục thay đổi
Những tháng đầu năm nay, Hòa Bình chứng kiến hàng loạt lãnh đạo cao cấp từ nhiệm. Đó là ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2021-2024 có đơn từ nhiệm đề ngày 13/2. Ông Albert Antoine, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 có đơn từ nhiệm đề ngày 20/2.
Ông David Martin Ruiz, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 có đơn từ nhiệm đề ngày 20/3. Ông Lê Quốc Duy, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 có đơn từ nhiệm đề ngày 9/6. Ông Dương Văn Hùng, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2024 có đơn từ nhiệm đề ngày 26/6.
Tại đại hội này, Hòa Bình thực hiện bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT với 3 ứng viên là: ông Lê Văn Nam, Tổng Giám đốc Hòa Bình; bà Nguyễn Thị Lượt, Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Queen Hotel; và bà Vũ Thị Hòa (thành viên độc lập), luật sư thành viên - phụ trách phòng kiểm soát và xử lý tranh chấp khối khách hàng doanh nghiệp tại Công ty Luật TNHH ALB & Partners. Ngoài 3 nhân sự mới được bầu, HĐQT của Hòa Bình còn có ông Lê Viết Hải, Chủ tịch; ông Lê Viết Hiếu (con ông Lê Viết Hải), Phó Chủ tịch và ông Nguyễn Tường Bảo, thành viên độc lập.
Tại Ban điều hành, Hòa Bình chứng kiến sự từ nhiệm của 3 Phó Tổng Giám đốc. Đó là ông Lê Quốc Duy và Dương Đình Thanh từ 23/3; ông Trương Quang Nhật từ 18/5.
Ở chiều ngược lại, Hòa Bình bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Hoàng giữ chức Phó Tổng Giám đốc và ông Lê Văn Nam giữ chức Tổng Giám đốc từ 1/6. Trong đó, chức Tổng Giám đốc khuyết từ 23/7/2022 sau khi ông Lê Viết Hiếu bị miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc và giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực.
Năm 2023, Hòa Bình phấn đấu lợi nhuận 125 tỷ đồng
Đại diện Hòa Bình cho biết trong năm vừa qua, công ty trúng thầu với tổng giá trị 15.885 tỷ đồng, bằng 79,42% so với kế hoạch và giảm 5% so với năm 2021. Hòa Bình đã trúng thầu hoặc được chỉ định thầu nhiều nhất trong năm qua là: Novaland, Sungroup, Gamuda Group, Keppel Land - Phú Long, Vingroup, DHA Group, Tân Á Đại Thành, Hưng Lộc Phát, Kim Oanh, Đại Hoàng Long Trung Yên.
Năm 2023, công ty đặt kế hoạch 12.500 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11,7% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tiêu trúng thầu đạt 17.000 tỷ đồng.
Để đạt được các kết quả trên, Hòa Bình đưa ra 4 giải pháp đối phó. Thứ nhất, thanh khoản từ các dự án bất động sản giảm sút, Hòa Bình sẽ tăng nguồn thu từ hạ tầng, tăng vốn đầu tư cho Công ty Hòa Bình 479 để thúc đẩy phát triển thi công các dự án hạ tầng. Thứ hai, chủ đầu tư thiếu hụt nguồn tín dụng để triển khai, Hòa Bình sẽ tăng cường kết nối với các nguồn vốn nước ngoài để cùng chủ đầu tư triển khai dự án.
Thứ ba, chi phí xây dựng tăng do giá nhân công và nguyên liệu tăng cao, Hòa Bình sẽ thay đổi mô hình hoạt động và cấu trúc chi phí hướng đến tối thiểu hóa định phí và tối đa hóa biến phí. Thứ tư, các dự án mới bị chậm triển khai hoặc tạm dừng, Hòa Bình cùng chủ đầu tư phối hợp với cơ quan ban ngành tháo gỡ qua công tác hội thảo và kiến nghị đến các lãnh đạo trung ương.
Đại hội đồng cổ đông đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Chào bán thành công giúp Hòa Bình thu về 3.288 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án mới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/6, cổ phiếu HBC đạt 9.460 đồng/cổ phiếu, tăng 2,7% so với đầu năm nhưng còn giảm 70,9% so với đỉnh của năm 2022.