Năm 2024: Xây 'nền móng' cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản
“Báo cáo Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam 2023 và dự báo 2024” của Hội môi giới BĐS Việt Nam dự báo, năm 2024 sẽ là năm đặt “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho chu kỳ phát triển mới của thị trường quan trọng này.
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), năm 2023 là một năm đầy “vất vả” với thị trường BĐS Việt Nam. Rất nhiều khó khăn tồn tại dưới dạng ẩn từ các thời kỳ trước, lần lượt “ngoi lên” khiến thị trường trở nên lao đao, điêu đứng. Khoảng thời gian này là hệ quả của quá trình phát triển thiếu kiểm soát, kém minh bạch và an toàn của thị trường trong suốt một thời gian dài trước đó.
Đây cũng là năm bùng phát những khó khăn của thị trường BĐS Việt Nam, sau một khoảng thời gian “ủ bệnh” khá dài và có dấu hiệu khởi phát kể từ tháng 5/2022. Là cơ hội để nhận ra quá nhiều lỗ hổng trong phát triển thị trường BĐS, từ cơ chế, chính sách đến quá trình thực thi.
Sức khỏe nội tại của doanh nghiệp BĐS Việt Nam hiện chưa đủ mạnh và khả năng ứng biến với các tình huống còn chưa cao. Dự báo về thị trường BĐS năm 2024, VARS cho rằng, khả năng cao đây sẽ là năm cuối thị trường này vượt chướng ngại vật. Bức tranh toàn cảnh của thị trường có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
“Về bản chất, thay đổi này không phải sự phát triển mà là nỗ lực tiến về vạch xuất phát, thay vì tồn tại trong trạng thái âm như thời kỳ vừa qua. Tuy nhiên, đây sẽ là căn cứ và nền tảng để thị trường chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới mang tính ổn định, bền vững và hiệu quả hơn”, báo cáo của VARS nhấn mạnh.
Bức tranh toàn cảnh của thị trường BĐS năm 2024 có thể theo chiều hướng tích cực hơn.
Cũng theo VARS, song song với các giải pháp tháo gỡ các khó khăn về mặt pháp lý, nguồn vốn cho thị trường BĐS, thì niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư vẫn sẽ là yếu tố tiếp tục được quan tâm và tập trung các biện pháp nhằm giải tỏa trong năm 2024.
Quý I và quý II/2024, thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023. Nhưng phải từ cuối quý III trở đi, sự phục hồi mới được thể hiện rõ rệt.
Năm 2024, ngành BĐS sẽ đón nhận sự quay trở lại của khoảng 30%-40% môi giới BĐS. Càng về thời điểm cuối năm, số lượng này càng có xu hướng tăng lên. Các chương trình mở bán quy mô lớn sẽ diễn ra một cách thường xuyên và liên tục hơn. Đây được xem là hành động quyết liệt, thể hiện sự quyết tâm sinh tồn rất cao của các chủ đầu tư trong nỗ lực vượt qua khó khăn.
Các cơ chế, chính sách, đặc biệt liên quan đến tín dụng sẽ đạt hiệu quả cao hơn, tác động tích cực đến thị trường. Phân khúc BĐS nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giai đoạn giữa năm 2024.
Cùng với đó, phân khúc BĐS công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng trên cơ sở các kết quả ấn tượng đã đạt được trong năm 2023. Tuy nhiên, phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục đối diện với nhiều thách thức. Chỉ có thể xoay chuyển tình thế tốt nếu ngành du lịch thực sự đạt được kết quả ấn tượng.
Phân khúc BĐS thương mại sẽ không ghi nhận nhiều sự biến động. Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ có nhiều hơn thương vụ thành công, đặc biệt với sự tham gia tích cực hơn của các doanh nghiệp nội. Các ngành nghề khác, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường BĐS như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất…dần được phục hồi nhưng với tốc độ chậm.
“Tuy chưa thể khẳng định thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ trong năm 2024. Nhưng chắc chắn 2024 chính là viên gạch xây nền móng cho chu kỳ phát triển mới của thị trường BĐS Việt Nam”, VARS nhận định.
Chu kỳ phát triển này phụ thuộc vào sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự tham gia “thực sự” của chính quyền các cấp. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tháo gỡ thể chế, kích thích phát triển BĐS phù hợp. Sớm thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) theo hướng tháo gỡ được những điểm nghẽn cho thị trường, thống nhất nội dung với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.
VARS khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cần tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm, dồn trọng tâm vào các dự án khả thi, đáp ứng được cả nhu cầu và khả năng tài chính của người dân. Hạn chế phát triển sản phẩm phục vụ đầu tư, ưu tiên phát triển sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực.
Nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi hấp dẫn, thiết thực dành cho cả khách hàng/nhà đầu tư cũng như các đơn vị phân phối, môi giới BĐS. Tinh gọn quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ và các giải pháp nhằm giảm giá bán BĐS.
“Các chủ đầu tư phát triển dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cần đặc biệt lưu ý đến khâu quản lý vận hành để đảm bảo tính khả thi cho các phương án khai thác cho thuê của khách hàng/nhà đầu tư. Cần xác định rõ chung tay thúc đẩy thị trường là mục tiêu chính, rồi mới xác định đến mục tiêu lợi nhuận”, VARS khuyến nghị.