Nam Định chi 581 tỷ giải tỏa xung đột giao thông đường bộ và đường thủy với công trình bắc qua nhánh sông Hồng
Nam Định sẽ xóa bỏ cầu phao, thay vào đó là một công trình quy mô, đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương cũng như thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường bắc qua sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B. Dự án có tổng vốn đầu tư là 581 tỷ đồng, trong đó khoảng 465 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc sẽ được sử dụng cho các chi phí xây dựng, thiết bị, tư vấn thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và dự phòng phần vốn ODA. Phần vốn còn lại là phần vốn đối ứng khoảng 115 tỷ đồng, trong đó 63 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 52 tỷ đồng từ ngân sách địa phương nhằm thực hiện chi trả các khoản thuế VAT, chi phí quản lý dự án, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng...
Cầu Ninh Cường có tổng chiều dài 1,65km, kết nối các huyện Nghĩa Hưng và Trực Ninh. Điểm đầu dự án nằm tại Km0+00 (khoảng Km73+200 theo lý trình Quốc lộ 37B) ở thị trấn Ninh Cường, huyệnTrực Ninh và điểm cuối tại Km1+650 (khoảng Km74+500 theo lý trình Quốc lộ 37B) ở thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng. Tổng diện tích đất triển khai dự án khoảng 5,21ha.
Cầu Ninh Cường được thiết kế với 2 làn xe cơ giới với bề rộng 12, đường dẫn 2 đầu cầu được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 80km/h. Đường gom và đường hoàn trả sẽ phù hợp với quy mô đường hiện hữu.
Khi được đi vào hoạt động, cầu Ninh Cường không chỉ kết nối 2 huyện Nghĩa Hưng và trực Ninh mà còn khắc phục tình trạnh gián đoạn giao thông thủy trên sông Ninh Cơ. Cây cầu sẽ thay thế cầu phao Ninh Cường hiện có, giải tỏa xung đột giữa đường bộ và đường thủy, giảm thời gian đi lại, giảm tải ùn tắc và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 huyện nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung.
Theo kế hoạch, cầu Ninh Cường bắt đầu triển khai từ năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027.
Sông Ninh Cơ (còn gọi là Lạch Lác hay Cường Giang) là một phân lưu ở hạ nguồn của sông Hồng chảy qua tỉnh Nam Định. Điểm bắt đầu của dòng sông này là nơi tiếp giáp 2 xã Trực Chính (huyện Trực Ninh) và Xuân Hồng (huyện Xuân Trường). Dòng sông này cũng đem lại nguồn nước và phù sa khá tốt cho 2 huyện Nghĩa Hưng và Trực Ninh.