Năm dự án đầu tư cho ngành thuế của Bộ Tài chính vào danh sách thanh tra
Năm dự án thuộc diện thanh tra của Bộ Tài chính đều do ngành Thuế làm chủ đầu tư và đang trong quá trình triển khai
Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố kế hoạch thanh tra chuyên đề các công trình, dự án có khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.
Trong đó, có 5 dự án thuộc Bộ Tài chính bao gồm: Dự án Trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Bình Thạnh,TP. HCM, Dự án Xây dựng Kho tài liệu Cục Thuế TP. HCM, Dự án Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hệ thống hóa đơn điện tử đáp ứng triển khai Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền, Dự án Trụ sở làm việc Chi cục Thuế tỉnh Bình Dương và Dự án Trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm.

Theo đó, đây là các dự án đều đang được triển khai và thuộc danh mục đầu tư công. Có 4/5 dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành của Tổng Cục thuế làm chủ đầu tư, 1 dự án do Tổng Cục thuế (nay là Cục Thuế) làm chủ đầu tư.
Tổng số vốn đầu tư của 5 dự án nêu trên là gần 718 tỷ đồng.
Theo Thanh tra chính phủ, phạm vi của thanh tra là tiến hành đối với các công trình, dự án có khó khăn, vướng mắc lớn, phức tạp, quá trình đầu tư xây dựng kéo dài, có quy mô lớn, có thể có sai phạm (theo danh mục của Bộ Tài chính cung cấp).
Nội dung thanh tra lưu ý làm rõ một số nội dung có dấu hiệu sai phạm, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí (nếu có) trong việc: Chấp thuận chủ trương đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thương thảo, ký hợp đồng, việc bố trí vốn, thanh quyết toán dự án đầu tư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất...
Từ đó, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.
Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra chuyên đề các công trình, dự án có khó khăn, vướng mắc làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý, giải quyết, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo kế hoạch công bố, Thanh tra Chính phủ sẽ trực tiếp thanh tra 145 dự án có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên thuộc các bộ, ngành trung ương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cùng một số dự án địa phương có quy mô trên 1.500 tỷ đồng.
145 dự án tại các bộ gồm: Bộ Tài chính (5 dự án), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (4 dự án), Bộ Xây dựng (8 dự án), Bộ Công Thương (6 dự án), Bộ Giáo dục và Đào tạo (5 dự án), Bộ Ngoại giao (1 dự án), Bộ Dân tộc và Tôn giáo (1 dự án), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2 dự án)...
Đối với địa phương, hàng loạt tỉnh, thành như TP. HCM (20 dự án), Khánh Hòa (15 dự án), Hà Tĩnh (4 dự án), Quảng Trị (5 dự án), Đà Nẵng (5 dự án), Quảng Ngãi (3 dự án), Đồng Nai (8 dự án), An Giang (3 dự án), Cần Thơ (4 dự án)... cũng thuộc diện thanh tra trực tiếp.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Quốc phòng sẽ tiến hành thanh tra 3 dự án thuộc lĩnh vực quản lý có dấu hiệu vướng mắc kéo dài.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực tiếp thực hiện thanh tra đối với 750 dự án có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên. Một số địa phương có số lượng lớn gồm TP. HCM (94 dự án), An Giang (92 dự án), Đồng Nai (77 dự án), Khánh Hòa (68 dự án), Thái Nguyên (51 dự án), Ninh Bình (40 dự án), Phú Thọ (37 dự án), Lâm Đồng (30 dự án), Quảng Ngãi (28 dự án), Bắc Ninh (27 dự án), Hà Nội (21 dự án)…