Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Cần thay đổi về “chất”
Nhà đầu tư, giới chuyên gia trong và ngoài nước đang có cái nhìn lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng từ hạng cận biên lên mới nổi, nhờ nhiều yếu tố trợ lực.
Tiềm năng gia nhập
Theo bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, để được MSCI và FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM), Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện như: Giới hạn sở hữu nước ngoài, thông tin công bố bằng tiếng Anh, thị trường nội tệ ở nước ngoài, đăng ký tài khoản bắt buộc, ký quỹ khi giao dịch..
Trong vòng 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tất cả thị trường chứng khoán lớn trong khu vực với quy mô thị trường tăng gần gấp bốn lần so với lúc khởi điểm năm 2012, giá trị giao dịch gần đây vượt ngưỡng 1 tỷ USD/ngày. Có nhiều lý giải hợp lý cho kết quả này, một trong số đó là nỗ lực tạo ra tăng trưởng lợi nhuận từ cổ phiếu trong giai đoạn đại dịch toàn cầu năm 2020 trong khi các thị trường khác đối mặt tình trạng giảm lợi nhuận. Năm 2021, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán vượt ngưỡng 350 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP của Việt Nam.
Tính đến năm nay, mặc dù đã giảm 10%, Việt Nam vẫn nhỉnh hơn một chút so với các thị trường khác. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém sôi động của thị trường này không chỉ do lãi suất trái phiếu USD cao hơn và lệnh phong tỏa ở Trung Quốc. Việc khởi tố một số vụ sai phạm tại doanh nghiệp lớn cũng tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường.
Và câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn thú vị - tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh diễn ra nhiều cải cách, đồng tiền mạnh với dự trữ ngoại hối ổn định, nền kinh tế có vị thế vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi nhờ tăng đầu tư hạ tầng và tiêu dùng nội địa đang lên.
Khôi phục thị trường
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam chia sẻ quan điểm, bên cạnh tiêu chí đánh giá thì còn có quy trình đánh giá. Đặc biệt tổ chức xếp hạng toàn cầu của Mỹ MSCI sẽ khảo sát các nhà đầu tư nước ngoài, vì thế tiêu chí, quy định pháp luật chỉ là một phần, còn khi đã khảo sát các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở Việt Nam thì họ sẽ trả lời về tính thực chất, tính công bằng và các nhà đầu tư nước ngoài có được bảo vệ hay không. Nhất là trong bối cảnh vừa qua, có rất nhiều trường hợp giao dịch bán chui, thao túng giá, ép các nhà đầu tư nước ngoài...
Ngoài việc tháo gỡ các vướng mắc đã nêu trên, các chuyên gia cùng khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung vào ba yếu tố quan trọng. Thứ nhất, về thanh toán bù trừ: Tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE đã giải quyết, giao dịch T+0 sẽ sớm được đưa vào áp dụng. Thứ hai, về độ mở thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài: Cần giảm bớt ngành nghề trong danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường. Thứ ba, về khả năng tiếp cận các văn bản: Các công ty đại chúng niêm yết cần thực hiện công bố thông tin bằng hình thức song ngữ.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, dòng vốn mà thị trường đón nhận sẽ là một con số rất khổng lồ. Trong đó, có các lợi ích tiêu biểu như dòng vốn trên thị trường mới nổi thu hút ổn định hơn, được nhiều vốn hơn, hạn chế rủi ro bị rút vốn khi biến động thị trường. Cùng với đó là cải thiện chất lượng môi trường đầu tư bao gồm hệ thống vận hành, khung thể chế, tính minh bạch về thông tin... Đặc biệt là về tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp trong nước sẽ có thêm nguồn vốn nước ngoài để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Mở rộng cơ hội
Cùng quan điểm này, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho biết, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đủ điều kiện nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi do chúng ta còn thiếu nhiều yếu tố.
"Nếu sớm khắc phục những yếu tố còn thiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận là thị trường mới nổi và qua đó sẽ thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại vào thị trường. Chẳng hạn, các quỹ đầu tư ETF trên thế giới sẽ tăng tỉ lệ phân bổ nguồn vốn đầu tư của họ vào những thị trường mới nổi", ôngNgọc nhận định.
"Những yếu tố còn thiếu", theo ông Ngọc, là chưa có một sở giao dịch. Thiếu một trung tâm thanh toán độc lập. Còn nhiều rào cản với nhà đầu tư nước ngoài và chưa thống nhất các quy chuẩn về công nghệ, luật chơi.
Tỷ lệ phân bổ vốn của các quỹ đầu tư ETF vào các thị trường mới nổi sẽ lớn hơn rất nhiều so với các thị trường cận biên. Vì thế, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận thuộc nhóm thị trường mới nổi, sẽ có một lượng vốn lớn từ các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước. Các quỹ ETF cũng sẽ mua vào những cổ phiếu có vốn hóa lớn, thuộc nhóm VN30.
Các quỹ đầu tư ETF sẽ đẩy mạnh giải ngân vào thị trường trong nước.
Khi thị trường chứng khoán trong nước trở thành thị trường mới nổi, các quỹ đầu tư chủ động sẽ đánh giá tích cực hơn về thị trường chứng khoán Việt Nam, họ sẽ tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Ngoài ra, việc được công nhận là thị trường mới nổi sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề với thị trường trong nước, đặc biệt trong vấn đề thu hút dòng vốn ngoại.
"Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận là thị trường mới nổi, ước tính sẽ có thêm hàng chục tỷ USD đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua hai kênh quỹ đầu tư ETF, quỹ đầu tư chủ động", ông Ngọc cho biết.