Ngân hàng ACB tiếp tục bị xử phạt, truy thu thuế hơn 30 tỷ đồng
Ngân hàng ACB tiếp tục bị xử phạt, truy thu về thuế hơn 30 tỷ đồng sau quá trình thanh kiểm tra và đây không phải là lần đầu tiên nhà băng này bị xử phạt.
Ngân hàng TMCP Á Châu (viết tắt là Ngân hàng ACB; mã chứng khoán: ACB) vừa có văn bản số 3331/CV-KSTC.24 công bố thông tin bất thường về việc Ngân hàng ACB nhận được Quyết định số 647/QĐ-XPHC xử phạt hành hành chính của Cục Thuế doanh nghiệp lớn vào ngày 12/7. Theo đó, ACB đã phải nộp thuế và các nghĩa vụ bổ sung với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các khoản tiền ACB nộp trong quyết định này bắt đầu từ năm 2020, thời điểm Ngân hàng ACB được chấp thuận niêm yết cổ phiếu lần đầu trên sàn HoSE vào ngày 20/11/2020.
Theo đó, ACB phải đóng hơn 5 tỷ đồng cho năm 2020; hơn 22,4 tỷ đồng cho năm 2021 và hơn 2,9 tỷ đồng cho năm 2022.
Liên quan đến sự việc này, trong văn bản gửi UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, Ngân hàng ACB cho biết đã hoàn thành nghĩa vụ theo quyết định xử phạt hành chính nêu trên.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên mà Ngân hàng ACB bị xử phạt và truy thu thuế với số tiền hàng chcj tỷ đồng. Bởi lẽ, trước đó vào ngày 15/1/2019, Tổng cục Thuế đã có Quyết định về việc xử lý vi phạm về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật về thuế đối với Ngân hàng ACB.
Ngân hàng ACB cũng bị xử phạt và truy thu thuế hơn 11 tỷ đồng tại thời kỳ thanh tra năm 2016 và 2017, cụ thể: Ngân hàng ACB bị truy thu thuế hơn 7,6 tỷ đồng, số này chủ yếu bao gồm các khoản truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp gần 3,9 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp nhà thầu nước ngoài hơn 2 tỷ đồng; truy thu thuế thu nhập cá nhân gần 1,4 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng bị truy thu thêm gần 300 triệu đồng.
Cùng với đó, Ngân hàng ACB cũng bị phạt hơn 2,2 tỷ đồng do có hành vi vi phạm hành chính về thuế và số tiền chậm nộp thuế là gần 1,3 tỷ đồng. Cho nên, tổng số tiền thuế mà Ngân hàng ACB bị phạt và truy thu vào thời điểm năm 2019 lên tới hơn 11 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh của Ngân hàng ACB cho thấy, tính đến ngày 31/3/2024, lợi nhuận của Ngân hàng ACB ghi nhận đạt con số 4.892 tỷ đồng, giảm 5% so cùng kỳ do tăng trích lập dự phòng. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng ACB cũng tăng từ 1,2% lên 1,4%. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 21% lên 4.733 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 65% tổng nợ xấu. Tính đến ngày 31/3/2024, tình hình thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước của ACB đang là 1.036 tỷ đồng.