Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt chuyển giao cho những ‘ông lớn’ nào?

Từ cuối 2021, kế hoạch tái cơ cấu đối với 3 ngân hàng 0 đồng được thông qua. Trong mùa ĐHCĐ đầu năm nay, đã có các ngân hàng công khai kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém để tái cơ cấu.

Ba ngân hàng được nhà nước mua lại 0 đồng vẫn tiếp tục khó khăn, thua lỗ.
Ba ngân hàng được nhà nước mua lại 0 đồng vẫn tiếp tục khó khăn, thua lỗ.

Hiện có 3 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bị kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), Ngân Hàng Đaị Dương (OceanBank). Đây là 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhưng làm ăn thua lỗ được nhà nước mua lại với giá 0 đồng để thực hiện tái cơ cấu.

Cùng với đó, Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, bắt buộc tái cơ cấu.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Xăng dầu cũng thuôc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập do cổ đông lớn và sáng lập là Tổng công ty Xăng dầu – Petrolimex không tiếp tục được đầu tư nắm giữ ngân hàng theo quy định, quy mô ngân hàng này hiện cũng thuộc dạng nhỏ nhất hệ thống.

Từ cuối 2021, kế hoạch tái cơ cấu đối với 3 ngân hàng 0 đồng đã được thông qua, ngay trong mùa ĐHCĐ đầu năm nay, đã có các ngân hàng lớn công khai kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém để tái cơ cấu.

Mới đây nhất, HDBank đã chính thức đề xuất chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỉ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để thực hiện tái cơ cấu.

Diễn biến này càng làm nóng lên thông tin được nhiều người quan tâm là ngân hàng kiểm soát đặc biệt nào sẽ về với 'ông lớn' nào?. HDBank và các ‘ông lớn’ sẽ nhận chuyển giao ngân hàng nào?

Ba ngân hàng bị mua lại 0 đồng cách đây 7 – 8 năm đều được giao cho các ngân hàng lớn có gốc quốc doanh hỗ trợ quản trị điều hành. Cụ thể, hai trong số đó là OceanBank và GP.Bank được giao cho Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) hỗ trợ. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) được giao hỗ trợ CBBank…

Ngay sau khi được giao hỗ trợ, các ngân hàng lớn đã cử lãnh đạo thường là phó tổng giám đốc sang làm lãnh đạo cấp cao, cùng với đó là các hỗ trợ khác về nhân sự, quản trị… với mục tiêu ban đầu sau 3 – 4 năm sẽ khắc được khó khăn và tìm hướng để tái cơ cấu, tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, sau thời gian dài hơn dự kiến, các ngân hàng 0 đồng bị kiểm soát đặc biệt vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể. Con số thua lỗ của 3 ngân hàng không công bố chính thức nhưng đã từng được hé lộ lên tới chục nghỉn tỷ.

Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) đầu năm 2022, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) là đơn vị đầu tiên đưa ra lấy ý kiến về phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng yếu kém. Dù có nhiều ý kiến lo lắng nhưng chủ trương cũng đã được thông qua.

Tuy nhiên, đến nay các bước tiếp triển khai vẫn chưa chính thức được công bố. Tên tuổi ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc chưa công bố nhưng thông tin bước đầu xác định có thể là Oceanbank.

ĐHCĐ năm 2022 lãnh đạo Vietcombank cũng trình bày về kế hoạch việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng bắt buộc. Với việc hỗ trợ quản lý điều hành CBBank gần 8 năm qua, đây là cái tên được cho là có khả năng cao trong kế hoạch của Vietcombank.

Trong khi đó, VPBank là ngân hàng thứ ba cho biết có thể nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. Tại ĐHCĐ năm 2022, khi trả lời cổ đông về khả năng tham gia tái cơ cấu, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết ngân hàng đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém.

Tuy VPbank chưa có bất cứ 1 kế hoạnh cụ thể nào đưa ra lấy ý kiến và lãnh đạo cũng cho rằng quá sớm để khẳng định điều này nhưng trên thị trường đã có thông tin về những bước hỗ trợ của VPBank với GPBank vào đầu 2022.

Với HDBank, qua bước đi với nhất, câu hỏi đặt ra là sẽ chọn ngân hàng nào để nhận chuyển giao.

Thực tế, cách đây nhiều năm đã có thông tin về việc HDBank hỗ trợ tái cơ cấu Dong A Bank. Tuy nhiên, điều đó chưa được công khai chính thức thì HDBank có kế hoạch sáp nhập PGBank.

Đề án sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc, 100% cổ đông thông qua. Sau đó, HDBank đã trình tiếp hồ sơ xin chấp thuận chính thức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc sáp nhập này dần đi vào im lặng và đến nay được xem như đã không thành.

Ngân hàng Đông Á bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8-2015. Từ đó đến nay, ngân hàng này liên tục chìm trong khó khăn, lãnh đạo chủ chốt ra đi, con số tài chính không được công khai, cổ đông cấm bị chuyển nhượng cổ phần… Chủ tịch nổi tiếng một thời Trần Phương Bình liên tục ra toà, lĩnh án cao nhất là chung thân.

Lê Phong

Theo VietnamFinance