Ngân hàng “bơm” gần 1,1 triệu tỷ đồng vào lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM
NHNN chi nhánh Khu vực 2 cho biết, diễn biến tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản là tích cực, có tác động thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi.

Tại Diễn đàn “Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2 cho biết, tính đến cuối tháng 2/2025 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng gần 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 1,15% so với cuối năm 2024 (cao hơn tốc độ tăng của tín dụng chung trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm).
Riêng đối với mảng cho vay nhà ở, trong 2 tháng đầu năm, hệ thống tổ chức tín dụng tại TP. HCM cũng đã có sự tăng trưởng tích cực. Theo đó, tháng 1/2025, tín dụng nhà ở tăng 0,51% và tháng 2/2025 tăng 0,16%.
Phân tích, đánh giá hoạt động tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM trong 2 tháng đầu năm, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh khu vực II cho biết, có 3 yếu tố gắn liền.
Thứ nhất, tín dụng cho vay bất động sản tiêu dùng, cho vay mục đích để ở, để sử dụng vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 66% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn.
Thứ hai, tín dụng cho vay nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội; nhà ở thương mại; nhà ở khác…) đạt trên 600 nghìn tỷ đồng, tăng 0,67% so với cuối năm và tăng 7,39% so với cùng kỳ.
Thứ ba, tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ (cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp khu chế xuất; xây dựng văn phòng cao ốc; cho vay xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng..) vẫn tăng trưởng tốt và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản chung trên địa bàn.
Trong đó, cho vay khu công nghiệp khu chế xuất đạt 56.550 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm và tăng 33% so với cùng kỳ; cho vay xây dựng, sửa chữa, đầu tư phát triển nhà hàng khách sạn, khu du lịch, sinh thái và nghỉ dưỡng đạt 28.068 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cuối năm và tăng 44,4% so với cùng kỳ.
Theo ông Lệnh, diễn biến của dư nợ bất động sản nhóm này phù hợp với sự tăng trưởng và phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch. Trong đó, hoạt động du lịch tăng trưởng, là yếu tố thúc đẩy tín dụng bất động sản phục vụ lĩnh vực này tăng trưởng cao nhất, mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn.
Đồng quan điểm, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, chỉ tính riêng mảng tín dụng ngân hàng thì các chính sách tín dụng dành cho bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng của ngành Ngân hàng hiện nay có thể xem là “chấp nhận được” và đang được “rót” đúng vào các nhu cầu mang tính thị trường.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp bất động sản cần phải có thêm những cơ chế khuyến khích và ưu đãi hơn để các chủ đầu tư có nguồn lực phát triển các loại hình nhà phân khúc thấp. Riêng về vấn đề vốn, ngoài vốn vay ngân hàng cần phải có thêm quỹ để ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.