Luật sư nói gì về diễn biến mới trong vụ án liên quan đến Ngân hàng Nam Á?
Tranh chấp tài sản là vấn đề cần Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Đây là vấn đề dân sự, có thể xử lý theo đường lối dân sự theo pháp luật hiện hành quy định.
Mới đây (ngày 19/02), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TP.HCM, liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt là cổ phần, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Nam Á; Công ty TNHH Hoàn Cầu, Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Nha Trang và Công ty TNHH Phương Long Bình” đã khởi tố theo Quyết định số 36/QĐ-C01-P4 (ban hành ngày 20/06/2019).
Trước thông tin này, Luật sư Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Khang Trí cho rằng, đây là việc thực hiện quy trình tố tụng hình sự của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đối với vụ án đã khởi tố theo Quyết định khởi tố vụ án số 36/QĐ-C01-P4.
"Tôi không có nhận xét về thời điểm ban hành Thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, nhưng về nội dung có thể thấy, bản chất sự việc vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” có liên quan đến vấn đề pháp lý hết sức cơ bản, đó là về quyền thừa kế di sản của các con bà Trần Thị Hường và chồng bà đối với di sản của bà Hường.
Ở đây, với các tài sản đang bị tố cáo chiếm đoạt thì thực tế cần được phân chia theo quy định của pháp luật về thừa kế, mới xác định được ai là chủ tài sản này. Tôi hiểu là đến nay khi chưa thực hiện quy định của pháp luật về thừa kế, thì khách thể của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa xác định được", Luật sư Nguyễn Thanh Sơn nêu quan điểm.
Vị luật sư cho biết, thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đã ghi nhận 2 lần Cơ quan Cảnh sát điều tra có các văn bản số 1396/TB-VPCQCSDT ngày 07/08/2020 và văn bản số 4158/VPCQCSĐT ngày 19/11/2020 gửi Người tố cáo để hướng dẫn ông Nguyễn Chấn và bà Nguyễn Thị Xuân Thủy đề nghị Tòa án có thẩm quyền giải quyết, phân chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật. Tuy nhiên đến nay, việc này chưa được thực hiện như hướng dẫn.
Nói về vai trò của Ngân hàng TMCP Nam Á là 1 tổ chức được nêu tại quyết định khởi tố vụ án trước đây, Luật sư Nguyễn Thanh Sơn nhận định: "Trong vụ án hình sự được khởi tố theo Quyết định số 36/QĐ-C01-P4 ngày 20/06/2019, Ngân hàng TMCP Nam Á là bên liên quan, không phải là đối tượng điều tra, không phải là bị đơn dân sự. Điều này là khách quan và theo dõi vụ án thời gian qua, Ngân hàng TMCP Nam Á vẫn thể hiện là bên liên quan trong sự việc. Cá nhân tôi thấy rằng, thời gian qua ngân hàng vẫn hoạt động ổn định và phát triển tốt".
Đồng quan điểm, Luật sư Thân Hồng Nhung - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, nội dung Thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự được Cơ quan Cảnh sát điều tra ban hành có lý do từ việc, đối tượng tài sản bị tố cáo chiếm đoạt cần phải thực hiện việc phân chia tài sản thừa kế. Và Cơ quan Cảnh sát điều tra đã 2 lần hướng dẫn nhưng việc này chưa thực hiện.
Luật sư Nhung phân tích: "Ở đây cần xem lại, quan điểm của Cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu xác định quyền, tài sản thừa kế của những người thuộc diện thừa kế đối với khối tài sản của bà Trần Thị Hường bằng bản án có hiệu lực pháp luật và từ đó nhằm xác định đúng đối tượng tài sản bị chiếm đoạt mới là cơ sở tiếp theo giải quyết vấn đề hình sự. Vậy, giả thiết pháp lý quan tâm là chia tài sản thừa kế và cụ thể rồi, bằng Bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa rồi, thì cơ sở đầu tiên của dấu hiệu vi phạm hình sự là không có".
Bà Nhung cho rằng, đây là vụ án phức tạp, nhưng với thông tin có được và cách xử lý của cơ quan điều tra, câu chuyện quay về gốc ban đầu: tranh chấp tài sản là vấn đề cần Tòa án có thẩm quyền giải quyết, và đây là vấn đề dân sự, có thể xử lý theo đường lối dân sự theo pháp luật hiện hành.
Trên thực tế, đây là sự việc đã kéo dài trong một thời gian, chỉ những bên liên quan và là bên trong cuộc mới có thể đánh giá khách quan, cụ thể. Dưới góc nhìn pháp lý, để giải quyết dứt điểm sự việc, Luật sư Thân Hồng Nhung cho rằng, đánh giá từ Thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, việc cần làm ngay lúc này là các bên cùng nhau xem xét, xử lý tranh chấp tài sản theo hướng dẫn của cơ quan điều tra.
"Tòa án với trách nhiệm và quyền hạn của mình sẽ có Bản ản khách quan và dứt điểm với việc xử lý tài sản của các bên tranh chấp. Điều này, dù không phải là mặc nhiên, nhưng với tư cách là người am hiểu pháp lý, quan điểm cá nhân tôi thấy rằng ngay khi Tòa án tham gia xử lý tranh chấp tài sản thì dấu hiệu vi phạm hình sự cũng chấm dứt, nghĩa là vụ án đã khởi tố hình sự cũng chấm dứt và trả lại bản chất xử lý sự việc là quan hệ tranh chấp dân sự giữa các bên", Luật sư Nhung nói.
Trước đó, hồi tháng 6/2019, Ngân hàng TMCP Nam Á đã tiếp nhận thông tin về việc cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản thừa kế của gia đình ông Nguyễn Chấn (96 tuổi). Ngân hàng khẳng định việc tranh chấp này đã diễn ra từ nhiều năm nay trong nội bộ gia đình ông Nguyễn Chấn.
Đây là những tranh chấp dân sự, hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của ngân hàng - một doanh nghiệp đại chúng hoạt động công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.