Ngân hàng xoay trục: Cắt giảm chi nhánh, sa thải cả nghìn nhân sự

Số lượng chi nhánh lớn, nhân sự đông vốn từng được coi là lợi thế cạnh tranh trực tiếp của các ngân hàng lớn. Tuy nhân, nền tảng đó không còn là yếu tố quan trọng số một, nhiều ngân hàng đang nỗ lực số hóa, cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy.

Thu hẹp mạng lưới vật lý

Phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của VietinBank, Chủ tịch Trần Minh Bình khẳng định, VietinBank sẽ là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big4 thực hiện cắt giảm hệ thống giao dịch. Theo kế hoạch, VietinBank dự kiến sẽ cắt giảm hàng trăm điểm giao dịch nhằm tinh gọn hệ thống.

“Trong năm 2025, VietinBank sẽ tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, thực hiện tinh gọn đội ngũ nhân sự, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, lãnh đạo ngân hàng cho biết.

VietinBank dự kiến sẽ cắt vài trăm điểm giao dịch và thay thế bằng ứng dụng nền tảng số nhằm nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng. Hiện VietinBank đang triển khai 108 sáng kiến nền tảng trong giai đoạn một của chương trình chuyển đổi số và đã có khoảng 60-70% sản phẩm được đưa lên kênh số, và giao dịch qua kênh số chiếm tới 99%.

Ngân hàng xoay trục: Cắt giảm chi nhánh, sa thải cả nghìn nhân sự - Ảnh 1

Không riêng VietinBank, nhóm ngân hàng TMCP cũng lên kế hoạch tinh giảm trong năm nay. Mới đây nhất, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, lãnh đạo ABBank cho biết sẽ tiếp tục tiến hành tinh gọn và tối ưu hóa bộ máy vận hành nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả.

Phó Chủ tịch HĐQT Vũ Văn Tiền cho biết: “Chúng ta phải nhìn nhận mô hình tổ chức hiện hữu của chúng ta đã lạc hậu và có tính chất bảo thủ, dẫn đến hiệu qua không cao. Thời gian qua, ABBank đã mạnh dạn tinh giản bộ máy, có những khối tinh giản 30 – 40% nhân sự. Trong thời đại số hóa, một người có thể làm được công việc của nhiều người”.

Bên cạnh đó, việc tăng chi nhánh, tăng số lượng phòng giao dịch cũng không nằm trong kế hoạch của ABBank. Theo lãnh đạo ngân hàng này, trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng ứng dụng công nghệ, AI, việc phát triển chi nhánh, phòng giao dịch địa lý cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Không chỉ phải được NHNN cấp phép mà các ngân hàng còn phải đánh giá, cân nhắc xem việc mở rộng chi nhánh địa lý có thực sự mang lại hiệu quả hoạt động không.

Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng có nhiều hình thức để tiếp cận khách hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn bằng công nghệ. Có những giao dịch trước đây phải cần đến phòng giao dịch hay các chi nhánh thì giờ đây khách hàng có thể thao tác trên điện thoại thông minh. Trong thời đại số, có những điều chi nhánh địa lý không còn đáp ứng được nữa, lãnh đạo ABBank cho biết.

Chia sẻ thêm, ông Phạm Duy Hiếu - Tổng Giám đốc ABBank nói, trong năm 2024, số lượng giao dịch qua kênh số đã tăng gấp 2. Hiện ABBank đã hợp tác với fintech và đã triển khai trong quý I/2025, ngân hàng thực hiện chuyển đổi số để chạm đến nhiều người dùng, phục vụ khách hàng nhiều hơn, kỳ vọng chính vì nó mà đạt được mục tiêu lợi nhuận 131% trong năm 2025. Tự động hoá để rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng và áp dụng công nghệ.

Hay như PGBank, mục tiêu của ngân hàng này trong năm 2025 là giảm 50% giao dịch tại quầy, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên kênh số. Song song với đó, ngân hàng cũng sẽ kiện toàn cơ cấu tổ chức, đảm bảo cơ cấu gọn nhẹ, linh hoạt, phù hợp và đạt hiệu quả cao, phát triển đội ngũ nhân sự có năng lực chuyên môn toàn diện.

Chuyển đổi số thay đổi ngành ngân hàng

Trong báo cáo ngành ngân hàng năm 2024 mới đây của VPBankS, cách tiếp cận của ngân hàng đối với chi nhánh và phòng giao dịch đang thay đổi. “Trên thực tế, chúng tôi ghi nhận rằng các ngân hàng đang có xu hướng giảm số lượng nhân sự tại các điểm tiếp xúc vật lý, đồng thời thu hẹp diện tích mặt bằng vận hành”, chuyên gia phân tích của VPBankS nhận định.

Các ngân hàng đang giảm số lượng nhân sự tại các điểm tiếp xúc vật lý và thu hẹp diện tích mặt bằng vận hành.  
Các ngân hàng đang giảm số lượng nhân sự tại các điểm tiếp xúc vật lý và thu hẹp diện tích mặt bằng vận hành.  

Trong những tháng đầu năm 2025, nhiều ngân hàng cũng đã thực hiện cắt giảm nhân sự. Trong báo cáo tài chính quý I/2025, ngân hàng TMCP tư nhân có số lượng điểm giao dịch lớn nhất Việt Nam là LPBank cũng đã cắt giảm hàng nghìn nhân sự chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, số lượng nhân viên của ngân hàng tính đến 31/3/2025 là 9.570 người, giảm mạnh 1.619 người (tương đương 14,46%) so với con số tại thời điểm 31/12/2024.

Các chuyên gia VPBankS nhận định, ngành ngân hàng đã trải qua 2 làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ. Làn sóng đầu tiên của các khoản đầu tư vào ứng dụng ngân hàng tại Việt Nam rơi vào giai đoạn 2019 - 2020, với mục tiêu chuyển một số giao dịch cơ bản từ quầy sang ứng dụng (dù một số nghiệp vụ vẫn không thể thực hiện qua app do quy định, ví dụ như giới hạn chuyển tiền qua NAPAS là 5 tỷ đồng/ngày).

Làn sóng thứ hai bắt đầu sau năm 2020, hướng đến việc nâng cao trải nghiệm khách hàng toàn diện, một xu hướng mà ngành gọi là "Engagement Banking”. Xu hướng này không chỉ dừng lại ở việc số hóa quầy giao dịch mà còn tối ưu hóa giao diện người dùng nhằm thuyết phục khách hàng sử dụng các dịch vụ và từ đó hỗ trợ cho chiến lược CASA của ngân hàng.

Trước đó, trong một trao đổi với VietnamFianance, bà Chu Hồng Hạnh, chuyên gia chuyển đổi số cũng nhận định: “Trước đây, ngân hàng nào có càng nhiều chi nhánh lớn, nhân sự đông sẽ càng có lợi thế cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên, đến nay, công nghệ đã thay đổi cuộc chơi của các ngân hàng. Số lượng chi nhánh lớn, nhân sự đông giờ đây không còn là yếu tố số một. Sự xuất hiện của những ngân hàng số như Cake by VPBank hay Timo – những ngân hàng có thể thu hút được một triệu khách hàng mà không cần chi nhánh là minh chứng rõ nét nhất”.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance