Ngân hàng “mỏi miệng” rao bán loạt tài sản đảm bảo là BĐS, vì sao vẫn “ế”?

Thời gian gần đây, các ngân hàng đã đưa ra hàng chục thông báo bán đấu giá tài sản, khoản nợ để xử lý nợ xấu. Trong đó, nhiều tài sản, khoản nợ đã được rao bán năm lần bảy lượt và giảm giá hàng trăm tỷ nhưng vẫn chưa thể bán.

BIDV 7 lần thông báo đấu giá khoản nợ hàng trăm tỷ

Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng này đã ra  thông báo bán đấu giá lô đất 61.000 m2 (xã Mỹ Hiệp, Cao Lãnh, Đồng Tháp) và nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất lúa gạo đi kèm. Được biết, gia khởi điểm ngân hàng đưa ra cho toàn bộ tài sản kể trên là 85 tỷ đồng. Trong đó, giá khởi điểm của lô đất và nhà xưởng là 77,4 tỷ và giá thanh lý máy móc thiết bị là 7,6 tỷ đồng.

Trước đó, BIDV cũng ra thông báo rao bán 2 khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Bách Giang và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Cao Nguyên với giá khởi điểm 312,2 tỷ.

Cụ thể, tính đến 6/5, khoản nợ tại Nhà Bách Giang là 236,7 tỷ và khoản nợ của Công ty Cao Nguyên là 245,2 tỷ đồng. Cả 2 khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo là Dự án Khu dân cư khu phố 4, phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM mà 2 công ty đang đầu tư.

BIDV thông báo rao bán khoản nợ gần 500 tỷ của nhà Bách Giang và XD TM Cao Nguyên. Nguồn: BIDV  
BIDV thông báo rao bán khoản nợ gần 500 tỷ của nhà Bách Giang và XD TM Cao Nguyên. Nguồn: BIDV  

Đáng chú ý, đây là lần thứ 5 ngân hàng này mang 2 khoản nợ trên ra đấu giá. 4 lần trước, BIDV đã liên tục hạ giá khởi điểm nhưng không có nhà đầu tư tham gia. Như vậy so với lần thanh lý gần nhất (tháng 5), giá hiện tại của 2 khoản nợ đã giảm 35 tỷ đồng, tương đương 10%. Còn nếu so với giá khởi điểm trong lần thanh lý đầu tiên (tháng 3), giá BIDV đưa ra hiện đã giảm 163 tỷ đồng, tương đương gần 1/3 giá trị.

Ngoài khoản nợ trên, BIDV cũng đã ra thông báo đại hạ giá để thanh lý thu hồi nợ của Công ty TNHH Thành Vinh tới lần thứ 7. Trong đó, tài sản đấu giá là khu đất 234,3 m2 và ngôi nhà 3 tầng đi kèm tại số 35 đường Nguyễn Lữ (phường Ngô Mây, Quy Nhơn, Bình Định), giá khởi điểm là 15,4 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với giá bán lần đầu.

Bên cạnh đó, vào thời điểm tháng 3/2021 BIDV cũng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Kiến trúc và Xây dựng Archplus tại BIDV. Theo đó 2 trong số 3 tài sản bảo đảm của khoản nợ này liên quan đến Công ty Cổ phần Thời trang NEM. Được biết, giá khởi điểm của khoản nợ này là hơn 473 tỷ đồng. Con số này cũng bằng với tổng dư nợ của Archplus tính đến 31/8/2020. Trong đó dư nợ gốc là 257 tỷ đồng, lãi và phí phạt quá hạn là hơn 216 tỷ đồng.

BIDV đã có thông báo rao bán khoản nợ liên quan đến Công ty Cổ phần Thời trang NEM.  
BIDV đã có thông báo rao bán khoản nợ liên quan đến Công ty Cổ phần Thời trang NEM.  

Theo thông tin từ phía BIDV, khoản nợ này được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội, thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 19/5/2005. Ngoài ra, tài sản đảm bảo của khoản nợ còn có 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty Cổ phần Thời trang NEM cùng bảo lãnh thanh toán của công ty này.

Ngoài khoản nợ trên, BIDV cũng rao bán khoản nợ ”khủng” của Công ty TNHH Ngọc Linh với tổng dư nợ đến ngày 28/12 là hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.385 tỷ đồng dư nợ gốc và hơn 1.019 tỷ đồng dư nợ lãi, phí phạt. Tài sản bảo đảm của khoản nợ này là các công trình dự án, tòa nhà, công trình xây dựng, các bất động sản khác gắn liền với đất, các phương tiện, máy móc, thiết bị và mọi bất động sản khác được xây dựng, mua của Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có diện tích 643.885 m2.

Hay như khoản nợ của CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Tincom Group) lần thứ 2 với giá khởi điểm hơn 134 tỷ đồng. Món nợ của Tincom Group được đảm bảo bằng 3 quyền đòi nợ được ký kết theo hợp đồng kinh tế giữa công ty với CTCP Bưu chính Viễn thông NVT và CTCP Đầu tư Thành An ; và 3 động sản gồm xe ô tô Lexus, xe ô tô BMW và cần trục tháp Model LT5517A-8.

Rao bán “mỏi miệng” vì sao vẫn ế?

Ngoài BIDV, Vietcombank cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn lần thứ 8 với giá khởi điểm 22,8 tỷ. Được biết, tổng dư nợ của Công ty Việt Trường Sơn tại ngân hàng hiện nay là 33,4 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 5 bất động sản tại TP.Đà Lạt và một bất động sản tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Vietcombank trước đó đã bán đấu giá khoản nợ này liên tục từ tháng 10/2020, nhưng qua 7 lần rao bán và hạ giá, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư tham gia. Trong lần rao bán đầu tiên, giá khởi điểm của khoản nợ lên tới 38,6 tỷ, cao hơn 70% so với giá khởi điểm hiện tại.

Khoảng một tuần qua, VietinBank cũng phát đi gần 20 thông báo bán đấu giá tài sản và khoản nợ để xử lý nợ với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Một số khoản nợ và tài sản trong đó cũng đã được ngân hàng nhiều lần rao bán nhưng bất thành. Theo đó, ngân hàng này đang rao bán Dự án Nhà máy kéo sợ chất lượng cao Đông Phú và máy móc đi kèm của Công ty CP Sợi Đông Phú Tài tại xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, giá khởi điểm 83,8 tỷ đồng.

Trong những lần rao bán đầu tiên, giá khởi điểm của tài sản kể trên lên tới 110 tỷ đồng, cao hơn 31% so với hiện tại. Ngoài ra, VietinBank cũng đang rao bán hàng chục khoản nợ vay tiêu dùng của các cá nhân để thu thu hồi nợ. Các khoản nợ này không có tài sản bảo đảm và có dư nợ gốc từ 1 triệu đến 13 triệu đồng. Giá khởi điểm đưa ra chủ yếu bằng dư nợ gốc và lãi phạt của các khoản nợ.

Về việc lý do các ngân hàng đồng loạt phát mãi tài sản nhưng vẫn “ế ẩm” luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty SBLaw cho hay, một vướng mắc lớn là đối với tài sản đang có tranh chấp kiện tụng, nếu ngân hàng phát mãi, dù khoản nợ hấp dẫn thì trên thực tế người muốn tham gia đấu giá cũng sẽ có những e ngại.

Việc tài sản đảm bảo đang có tranh chấp kiện tụng là một rào cản khiến việc phát mãi của các ngân hàng gặp khó.  
Việc tài sản đảm bảo đang có tranh chấp kiện tụng là một rào cản khiến việc phát mãi của các ngân hàng gặp khó.  

“Rất nhiều vụ việc khởi kiện yêu cầu phát mại tài sản lên tòa án do các cá nhân, tổ chức không trả được nợ nhưng trong nhiều trường hợp thủ tục phát mại tài sản không được đầy đủ, chặt chẽ, mà không phải ai cũng nắm được quy trình phát mãi tài sản dẫn đến các rắc rối không đáng có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi thực hiện trình tự, thủ tục phát mại quyền sử dụng đất. Do đó, thông thường các nhà đầu tư muốn tham gia mua bán nợ xấu sẽ cân nhắc đối với những dự án có liên quan tới “đáo tụng đình”, luật sư Hà nói.

Cũng theo luật sư Hà, với nhiều khoản cho vay đầu tư phát triển dự án bất động sản những năm trước đây, nhiều ngân hàng khá dễ dãi trong quy định thẩm định và phê duyệt hồ sơ tín dụng với tài sản hình thành từ vốn vay và trong tương lai, mà đặc thù tài sản hình thành trong tương lai là bao gồm chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, có thể có rủi ro không nhỏ. Không ít khoản vay của các nhà đầu tư kém năng lực tài chính, không có khả năng phát triển dự án, đã khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ qua nhiều năm hoặc rao bán, điều chỉnh giá bán nợ nhiều lần. Chất lượng nợ của các tài sản tương tự như vậy gây lo ngại cho quá trình phát mãi thu hồi nợ của BIDV và các ngân hàng nói chung.

Bảo Châu

Theo Kinh doanh & Phát triển