Ngân hàng nhỏ sụt giảm tiền gửi nhưng cho vay lại tăng: Lo ngại rủi ro thanh khoản!
6 tháng đầu năm 2021, một số ngân hàng nhỏ như ABBank, Viet Capital Bank,... ghi nhận sự sụt giảm tiền gửi khách hàng. Trong khi đó, dư nợ cho vay quá cao sẽ tạo ra nguy cơ về thanh khoản.
Với vai trò là tiền đề để ngân hàng có thể triển khai mở rộng các hoạt động kinh doanh, nguồn vốn huy động từ khách hàng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng.
Tuy nhiên, huy động từ tiền gửi khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2021 tại một số ngân hàng nhỏ lại ghi nhận sụt giảm.
Đơn cử, tính đến 30/6/2021, tiền gửi khách hàng tại ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn gần 68.904 tỷ đồng. Trong đó, tiền vàng gửi không kỳ hạn giảm 21% xuống còn 4.867 tỷ đồng; tiền vàng gửi có kỳ hạn giảm nhẹ 3% còn 63.824 tỷ đồng. Mặt khác, dư nợ cho vay khách hàng tại NVB tăng 4% lên 41.740 tỷ đồng.
Do đó, tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tiền gửi tại NVB 6 tháng đầu năm 2021 là 61%, tăng so với mức 55% hồi đầu năm.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB), tính đến cuối quý 2/2021 số dư tiền gửi khách hàng đạt 67.136 tỷ đồng, giảm 7,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn tại ABBank giảm 4.500 tỷ đồng xuống còn 54.580 tỷ đồng; tiền gửi không kỳ hạn cũng sụt giảm hơn 1.000 tỷ, còn 11.363 tỷ đồng.
Trong khi huy động vốn giảm thì dư nợ cho vay khách hàng tại ABBank vẫn tăng 6% trong 6 tháng đầu năm, đạt trên 67.000 tỷ đồng, xấp xỉ với con số tiền gửi. Do đó, tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng tại ABB lên gần 100%, trong khi hồi đầu năm ở mức 87%.
Nguồn huy động vốn giảm nhưng dư nợ cho vay khách hàng lại tăng 11% lên 44.377 tỷ đồng, kéo tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng tại BVB từ 96% hồi đầu năm lên 111%.
Có thể thấy, 6 tháng qua, các ngân hàng quy mô nhỏ có lượng tiền cho vay ra tăng mạnh hơn số dư tiền gửi huy động. Vì vậy, tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng có xu hướng tăng. Nếu huy động quá nhiều trong khi cho vay ra thấp, tiền nằm trong ngân hàng sẽ không sinh lời mà chỉ làm tăng chi phí. Trong khi đó, nếu cho vay ra quá cao sẽ tạo ra nguy cơ về thanh khoản.
Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) càng cao thì khả năng sinh lời càng cao nhưng đồng thời tính thanh khoản của ngân hàng cũng giảm đi tương ứng, rủi ro thanh khoản tăng theo. Hiểu đơn giản, nếu tỷ lệ LDR của ngân hàng tiệm cận 100% hoặc lớn hơn 100% thì khả năng tự bảo vệ khỏi nguy cơ bị rút tiền gửi đột ngột kém. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh qui định về tỷ lệ LDR của tất cả ngân hàng về mức 85%.
Thực tế, việc thiếu hụt nguồn vốn từ tiền gửi khách hàng, nhiều nhà băng bù đắp thanh khoản bằng việc vay mượn trên thị trường liên ngân hàng.
Chẳng hạn, tại VietCapitalBank, tại ngày 30/6/2021 tiền gửi và vay các TCTD khác tăng 39% lên 13.003 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 48% lên 7.736 tỷ đồng.
Tương tự, tại ABBank, tiền gửi và vay các TCTD khác cũng tăng thêm 2.911 tỷ đồng, lên mức gần 29.414 tỷ đồng.
Các chuyên gia lưu ý, áp lực huy động có thể tăng lên nếu xu hướng người dân rút tiền khỏi hệ thống tiếp tục diễn ra. Lãi suất huy động cũng có thể tăng vào cuối năm khi đó là thời điểm ngân hàng đẩy mạnh giải ngân. Tuy nhiên, lãi suất huy động sẽ không tăng mạnh do NHNN duy trì định hướng mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.