Ngân hàng tăng vốn: Câu trả lời cho các kỳ vọng
Tăng vốn điều lệ không diễn ra 1 cách ngẫu nhiên hay theo phong trào bởi các hoạt động này phản ánh chiến lược của ngân hàng về quản lý tài sản và nguồn vốn.
Điểm yếu dai dẳng
Ông Douglas Jackson, Giám đốc điều hành, Trưởng khu vực Việt Nam & Thái Lan tại Alvarez & Marsal, nhận định tỷ lệ nợ xấu công bố chính thức của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhiều khi chỉ phản ánh được một phần nhỏ của tình trạng căng thẳng tài chính thực sự. Nguyên nhân là các ngân hàng thường sử dụng các biện pháp tái cấu trúc nợ mang tính hình thức như chuyển giao các khoản nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản liên quan, hoặc thực hiện các giao dịch đối ứng nợ xấu giữa các ngân hàng nhằm che giấu tình trạng tài chính yếu kém. Những thực tiễn này không những làm sai lệch báo cáo tài chính chính thức mà còn tiếp tục làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư vào ngành ngân hàng nói chung.
“Trong khi đó, khả năng vốn của các ngân hàng Việt Nam vẫn là một điểm yếu dai dẳng khó khắc phục. Mặc dù các ngân hàng đã áp dụng các tiêu chuẩn Basel II theo yêu cầu quốc tế, nhưng so với các đối tác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, các ngân hàng Việt Nam vẫn tụt hậu khá nhiều về mức độ dự trữ vốn luôn được coi là bộ đệm quan trọng để ứng phó với rủi ro tài chính”.
Thực tế hiện nay cho thấy gần như các ngân hàng niêm yết và các ngân hàng OTC khác đều đáp ứng được hệ số an toàn vốn (CAR) tối thiểu theo Basel II. Về tiêu chuẩn Basel III, dựa trên số liệu 2024, 20 ngân hàng đáp ứng điều kiện CAR tối thiểu. Nhưng nhìn chung, hệ số CAR trung bình của các ngân hàng đang dao động khoảng 11,5%, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình tại các nước ASEAN, như Indonesia có hệ số CAR là 25,8%, Singapore là 17% và Malaysia là 18,9%.

Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng thương mại trong nước (bao gồm Agribank và 27 ngân hàng thương mại cổ phần) tính đến 31/12/2024 là 823.522 tỷ đồng (tương đương khoảng 33 tỷ USD), tăng 15,23% so với cuối năm 2023. Trong đó, có 16 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ trên 1 tỷ USD (năm 2023 có 12 ngân hàng).
Có tới 20 trong tổng số 28 ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ trong năm 2024. Trong đó, hai ngân hàng là NCB và Techcombank ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất về vốn điều lệ so với năm 2023, lần lượt là 110% và 100%. Cụ thể, vốn điều lệ của NCB đã tăng từ 5.600 tỷ đồng lên 11.780 tỷ đồng, trong khi Techcombank tăng mạnh từ 35.225 tỷ đồng lên 70.658 tỷ đồng. Qua đó, NCB đã cải thiện vị trí, từ xếp thứ 23 năm 2023 lên thứ 20 trên bảng xếp hạng ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất năm 2024. Techcombank cũng tiến một bước dài, từ vị trí thứ 11 lên thứ 2.
VPBank dù không tăng vốn điều lệ trong năm qua nhưng vẫn đứng vững vị trí số 1 với vốn điều lệ đạt 79.339 tỷ đồng. Trong đó, 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức nắm giữ từ 1% vốn điều lệ của nhà băng này.
Ngoài VPBank và Techcombank, tốp 10 ngân hàng thương mại có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay còn có BIDV (68.975 tỷ đồng, tăng 21%), Vietcombank (55.891 tỷ đồng, không thay đổi), VietinBank (53.670 tỷ đồng, không thay đổi), MB (53.063 tỷ đồng, tăng 1,77%), Agribank (51.616 tỷ đồng, tăng 25%), ACB (44.666 tỷ đồng, tăng 15%), SHB (38.073 tỷ đồng, tăng 1,16%) và HDBank (35.101 tỷ đồng, tăng 20,72%).
7 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng, xếp theo thứ tự các ngân hàng quy mô vốn điều lệ nhỏ nhất lần lượt gồm: Saigonbank (3.388 tỷ đồng, tăng 10%), KienlongBank (3.653 tỷ đồng, không thay đổi), PGBank (4.200 tỷ đồng, tăng 40%), Viet A Bank (5.400 tỷ đồng, không thay đổi), BVBank (5.518 tỷ đồng, tăng 10%), VietBank (7.139 tỷ đồng, tăng 49,46%) và Bac A Bank (8.959 tỷ đồng, tăng 7,5%). Nhóm các ngân hàng có tỷ lệ tăng cao nhất, ngoài NCB và Techcombank còn có: VietBank (tăng 49,46%), PGBank (tăng 40%), MSB (tăng 30%) và Nam A Bank (tăng 29,73%).
“Rõ ràng, để tăng vốn điều lệ, nâng cao tiềm lực tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các NHTM cổ phần nhà nước đồng thời khuyến khích các NHTM cổ phần tư nhân thu hút thêm các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó cần có phương án sát nhập các ngân hàng TMCP nhỏ nhằm tăng vốn điều lệ một cách cơ học nếu không thể tự vươn mình thành ngân hàng lớn. Mục tiêu trong 5 năm tới là rút số lượng ngân hàng TMCP từ 30 xuống còn khoảng 25 với vốn điều lệ không dưới 1 tỷ USD, trong đó có 3-5 ngân hàng có vốn điều lệ tương đương 4 tỷ USD”, TS Vũ Đình Ánh nói.
Chậm chân và cơ hội bị bỏ lỡ
Diễn biến trên thị trường cho thấy, trong giai đoạn 2024 - 2025, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để bổ sung vốn cấp 2 đang trở thành xu hướng mạnh mẽ. Trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên đủ điều kiện được tính vào vốn cấp 2, qua đó giúp các ngân hàng cải thiện CAR mà không làm pha loãng quyền sở hữu cổ đông.
Theo thống kê phát hành năm 2024, nhóm ngân hàng quốc doanh dẫn đầu về giá trị trái phiếu bổ sung vốn cấp 2 với tổng quy mô ước đạt hơn 43.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 47% toàn ngành. Trong đó, BIDV là cái tên nổi bật nhất khi đóng góp tới một nửa giá trị trái phiếu cấp 2 của nhóm này. Bước sang năm 2025, VietinBank cũng cho thấy động thái đẩy mạnh phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với tổng giá trị lên đến 10.500 tỷ đồng chỉ trong 4 tháng đầu năm.

Khối ngân hàng tư nhân cũng cho thấy sự nhộn nhịp rõ nét trong hoạt động phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để bổ sung vốn cấp 2. Nhóm ngân hàng bán buôn xếp thứ hai về tổng giá trị phát hành, ước đạt khoảng 30.656 tỷ đồng. Dẫn đầu nhóm này là HDBank với 21 đợt phát hành trái phiếu dài hạn trong năm - một phần phản ánh chiến lược củng cố nền tảng vốn trước đà tăng nhanh của dư nợ tín dụng. Trong khi đó, các ngân hàng thuộc nhóm bán lẻ và nhóm ngân hàng nhỏ khác có quy mô phát hành nhỏ hơn. Hoạt động phát hành trái phiếu chủ yếu tập trung ở nhóm 15 ngân hàng có hệ số CAR thấp nhất, dưới ngưỡng 12%.
“Làn sóng tăng vốn thời gian qua cho thấy phản ứng của các ngân hàng trước yêu cầu pháp lý và cũng là bước đi chiến lược để tái định vị trong chu kỳ kinh tế mới. Trong bối cảnh hệ thống tài chính hội nhập, cạnh tranh gay gắt và yêu cầu minh bạch gia tăng, việc tăng vốn trở thành điều kiện tiên quyết cho các bước đi dài hạn. Ngân hàng chậm chân không chỉ mất thị phần tín dụng mà còn bỏ lỡ cơ hội xác lập vị thế trong hệ sinh thái tài chính tương lai - nơi năng lực quản trị và nền tảng vốn sẽ quyết định sức cạnh tranh”, ông Lê Hoài Ân, CFA, Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty Cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp, nhận định.
Trong diễn biến có liên quan, ông Douglas Jackson nhấn mạnh, phương pháp tiếp cận trọng số rủi ro hiện tại vẫn còn khá thận trọng, điều này dẫn đến việc các ngân hàng không thể tối ưu hóa được hiệu quả sử dụng vốn. Rủi ro tín dụng ngày càng tăng không được phản ánh tương xứng bởi sự gia tăng vốn, phần lớn là do thị trường vốn trong nước còn nhỏ và non trẻ, chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu huy động vốn dài hạn của các ngân hàng.
“Nếu không sớm cải thiện khả năng vốn, các ngân hàng Việt Nam rất có thể sẽ phải đối mặt với giới hạn nghiêm ngặt trong việc mở rộng tín dụng, đồng thời kéo theo các rủi ro tiềm ẩn cho sự phát triển kinh tế rộng lớn hơn của quốc gia”, ông Douglas Jackson nói.