Ngân hàng tuần qua: Doanh nghiệp 'xếp hàng' chờ vốn, ngân hàng duyệt vay 'nhỏ giọt'
Nới room tín dụng nhỏ giọt, không như kỳ vọng của nhiều ngành kinh tế nhất là bất động sản, cuộc đua tăng vốn nóng lên vào cuối năm... những chiêu trò tinh vi lừa đảo lấy tiền... tiếp tục là câu chuyện nóng trên thị trường ngân hàng tuần qua
‘Room tín dụng nới nhỏ giọt, không giải quyết được cơn khát vốn của thị trường BĐS’
Tính đến cuối tháng 8, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Với chỉ tiêu điều hành cả năm ở mức 14%, ước tính sẽ có thêm khoảng 500.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng. Đây chính là dư địa để các ngân hàng đưa ra các giải pháp tín dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với nguồn vốn vay.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chứ lượng tín dụng vào bất động sản không nhiều.
Về vấn đề này, trao đổi với VietnamFinance PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng việc nới hạn mức tín dụng cho một số tổ chức tín dụng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc nới room tín dụng lần này chỉ mang tính chất nhỏ giọt, nới không quá lớn, vì thế sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản. Bởi vì, lượng tín dụng được nới này chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chứ không phải doanh nghiệp bất động sản.
“Việc nhận định nới room tín dụng tác động tích cực đến thị trường bất động sản thì chủ yếu ở góc độ các doanh nghiệp được vay vốn, sản xuất, kinh doanh tốt lên thì tác động tích cực đến thị trường bất động sản thôi, còn việc nới room tín dụng có thể giải được cơn khát vốn của thị trường bất động sản thì không đúng”, ông Thịnh nêu.
Nới room nhỏ giọt, khó dứt cơn ‘khát’ vốn
Theo các chuyên gia tài chính, dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm của các nhà băng rất hạn chế, bởi room được tín dụng được nới thêm không nhiều và phần lớn do các ngân hàng đã sử dụng hết số được cấp ngay từ 6 tháng đầu năm dẫn đến tình trạng dư vốn nhưng không thể cho vay mới.
Còn cán bộ của một số ngân hàng chia sẻ, hạn mức tín dụng khó đáp ứng được nhu cầu vay vốn rất lớn của doanh nghiệp hiện nay, bởi số lượng hồ sơ đang "xếp hàng" chờ còn rất dài.
Vì vậy, các nhà băng không thể mạnh tay trong việc cho vay mà phải giải ngân cho khách hàng theo hướng nhỏ giọt. Một số ngân hàng có thêm hạn mức nhưng cũng chỉ đủ cho vay với những hồ sơ đã được duyệt, còn vay mới không đáp ứng được nhiều. Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết họ sẽ cố gắng “xoay xở” trong dư địa tín dụng còn lại để giải ngân cho các khoản vay tiếp theo.
Theo đại diện của của Vietcombank, hiện nhà băng này đã bắt đầu giải ngân cho các khách hàng đã được chấp thuận vay vốn. Nhưng ngân hàng chỉ giải ngân được khoảng 30-50% số tiền khách cần vay nhu cầu vay vốn cao gấp 2-3 lần so với số tiền được phép cho vay.
Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN. Việc cho vay với lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.
Khoản tiền ‘trên trời rơi xuống’ bỗng thành món nợ vay nặng lãi
Nhiều người bỗng nhiên được "chuyển tiền nhầm" vào tài khoản ngân hàng. Nhưng các chủ tài khoản cần hết sức cảnh giác vì đó có thể là trò lừa đảo tinh vi. Chiêu thức lừa đảo này chủ yếu nhắm tới những người nhẹ dạ cả tin, những người để lộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng.
Sau khi cố tình chuyển tiền nhầm, các đối tượng sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính nào đó để liên hệ với nạn nhân và yêu cầu người này trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi "cắt cổ".
Khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền "chuyển nhầm" cho mình dù chưa có ai liên hệ cũng tuyệt đối không được tiêu vào số tiền này. Dù vô tình hay cố ý chuyển khoản nhầm, người nhận được số tiền này có nghĩa vụ phải trả lại tiền. Người nhận tiền hãy liên hệ với ngân hàng hoặc cơ quan công an để giải quyết. Nếu đó là tiền chuyển nhầm thật, đại diện ngân hàng sẽ liên hệ để làm việc.
Nếu là số tiền nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại. Đối với số tiền lớn thì chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh.
Người tiêu dùng tuyệt đối không chuyển hoàn cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, tránh bị phiền toái sau này. Đồng thời, không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước.
UBCKNN chấp thuận cho MSB phát hành cổ phiếu để tăng vốn
Trong tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 30%.
Theo đó, MSB sẽ phát hành thêm tối đa gần 458,3 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 4.582,5 tỷ đồng. Nguồn vốn sử dụng để phát hành cổ phiếu tăng vốn là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần có thể sử dụng để tăng vốn điều lệ sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
MSB sẽ phát hành thêm tối đa 458,25 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành thêm theo mệnh giá là 4.582,5 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành dự kiến sau phát hành sẽ tăng lên 1.985,75 triệu cổ phiếu.
Trước đó, HĐQT MSB đã ra nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Hồi tháng 8/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng ra quyết định chấp thuận đề nghị tăng vốn này. Sau khi hoàn thành tăng vốn 30% thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, MSB sẽ triển khai phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Dự kiến, MSB sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận 30% cổ phiếu thưởng vào tháng 10 tới đây.
NCB chính thức tăng vốn lên 5.600 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã ban hành Quyết định số 1566/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép hoạt động của NCB. Theo đó, NCB chính thức tăng vốn lên hơn 5.600 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo NCB cho biết việc tăng vốn giúp NCB củng cố năng lực tài chính, tăng cường an toàn hoạt động, tạo tiền đề cho việc tái cấu trúc thành công và đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển ngân hàng trong dài hạn.
Trước đó, NCB cũng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, đưa vốn điều lệ lên mức hơn 5.600 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông NCB thông qua.
Vốn điều lệ tăng thêm chủ yếu sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh giúp tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động; mở rộng hoạt động kinh doanh tại các địa bàn kinh tế trọng điểm, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn của khách hàng.