Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Ngân hàng Nhà nước đốc thúc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

Những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua như: MSB được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.725 tỷ đồng; Tiền gửi thanh toán của dân cư giảm trong quý 2/2022;...

Những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua như: MSB được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.725 tỷ đồng; Tiền gửi thanh toán của dân cư giảm trong quý 2/2022;...

Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) có thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại dịch vụ Tấn Giàu (Công ty Tấn Giàu) tại chi nhánh Nam Đồng Nai.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Ngân hàng Nhà nước đốc thúc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 - Ảnh 1

Agribank không công bố thông tin về tổng dư nợ của doanh nghiệp nêu trên. Tài sản được đấu giá là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc thửa đất số 641, 642 có địa chỉ tại phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức), TP HCM.

Tài sản thứ nhất là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với thửa đất rộng 493 m2, trong đó 476 m2 là đất ở lâu dài, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Tài sản thứ hai là lô đất rộng 497 m2, trong đó 479 m2 là đất ở lâu dài.

Tài sản thứ ba là công trình xây dựng trên đất không có giấy chứng nhận quyền sở hữu có diện tích sàn xây dựng 3.525,5 m2, vị trí công trình thuộc hai thửa đất số 641 và 642 nêu trên.

Giá khởi điểm Agribank đưa ra là 86,6 tỷ đồng, trong đó tài sản thứ nhất được rao với giá 31,3 tỷ đồng, tài sản thứ hai được bán với giá 31,6 tỷ đồng, tài sản thứ ba là 23,6 tỷ đồng. Khoản nợ này từng được Agribank AMC rao bán từ đầu tháng 7, đến nay đã giảm hơn 400 triệu đồng.

Tiền gửi thanh toán của dân cư sụt giảm trong quý 2/2022

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới cập nhật, tại ngày 30/6/2022, số dư tiền gửi thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng là 979.115 tỷ đồng, giảm hơn 61.600 tỷ so với cuối quý 1/2022. Trước đó, tiền gửi thanh toán đã lần đầu tiên cán mốc 1 triệu tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, quý 2/2022 đánh dấu quý đầu tiên trong 9 tháng gần nhất tiền gửi thanh toán của dân cư tại ngân hàng bị sụt giảm.

Nhìn lại từ năm 2013 đến nay, chỉ có 6/37 quý ghi nhận tiền gửi thanh toán sụt giảm, trong đó, quý 2 năm nay là quý giảm mạnh nhất.

Diễn biến này gây không ít bất ngờ, nhất là trong bối cảnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt bùng nổ những năm gần đây giúp tiền gửi thanh toán tại ngân hàng không ngừng tăng mạnh. Chỉ trong 3 năm, số dư loại tiền gửi này đã nhân lên hơn 2,5 lần. Theo đó, không ít ngân hàng đã thiết lập kỷ lục về tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong năm 2021.

Thêm một ngân hàng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.725 tỷ đồng

Một trong những tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua là thông tin Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) được tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, ngày 31/8/2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng MSB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.725 tỷ đồng theo các phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 458,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, với tỷ lệ chia là 30%. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 4.582,5 tỷ đồng lên 19.857,5 tỷ đồng.

Nguồn sử dụng để phát hành cổ phiếu trả cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần có thể sử dụng để chia cổ tức và tăng vốn sau khi trích lập đầy đủ các quỹ theo Báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 31/12/2021.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Ngân hàng Nhà nước đốc thúc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 - Ảnh 2
Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ. (Nguồn: MSB). 

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2022 (ESOP), dự kiến thực hiện sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%. Vốn điều lệ sẽ tăng thêm 142,5 tỷ đồng sau khi hoàn tất phát hành ESOP.

Sau khi hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 4.725 tỷ đồng, lên 20.000 tỷ đồng.

Tuần qua, tin ngân hàng đáng quan tâm là việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 5962/NHNN-TTGSNH yêu cầu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục triển khai và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Theo nội dung văn bản, ngày 16/6/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 thống nhất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đó, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC thực hiện năm nội dung.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Ngân hàng Nhà nước đốc thúc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 - Ảnh 3

Thứ nhất, tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xử lý nợ xấu theo Nghi quyết số 42 đã được phân công tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước có liên quan đến việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.

Thứ hai, tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Chính quyền địa phương, cơ quan công an, Thi hành án dân sự, cơ quan thuế, Tòa án các cấp và các cơ quan liên quan để thực thi có hiệu quả các chính sách tại Nghị quyết số 42, đặc biệt là các chính sách về thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7), áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án (Điều 8), thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12, Điều 15), các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (Điều 9, Điều 15).

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về xử lý nợ theo Nghị quyết số 42 trong nội bộ và đến khách hàng hiện đang có nợ xấu tại tổ chức tín dụng để khách hàng hiểu rõ quyền của tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm và trách nhiệm trả nợ của khách hàng.

Thứ tư, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và VAMC tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá thị trường nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Thứ năm, tiếp tục nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo về nợ xấu theo Nghị quyết số 42, kết quả xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42… Kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị có liên quan các khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý liên quan đến triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.

Được biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản số 5961/NHNN-TTGSNH yêu cầu các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết.

Lãnh đạo ngân hàng ACB nhận hàng trăm nghìn cổ phiếu thưởng ESOP

Một trong những tin ngân hàng gây chú ý là thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) về giao dịch cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của hàng loạt lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Thời gian dự kiến thực hiện các giao dịch theo hiệu lực phê duyệt của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Trong đó, Tổng Giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát nhận nhiều cổ phiếu thưởng theo chương trình ESOP nhất với 90.000 cổ phiếu. Tiếp theo là Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hoà (75.000 cổ phiếu), bà Nguyễn Ngọc Như Uyên và ông Nguyễn Khắc Nguyện cùng nhận 70.000 cổ phiếu, ông Bùi Tấn Tài nhận 50.000 cổ phiếu,...

Tổng số cổ phiếu thưởng theo chương trình ESOP mà những lãnh đạo này sẽ được nhận là hơn 427.500 cổ phiếu.

Bên cạnh đó, Ban chấp hành Công đoàn ACB cũng chuyển nhượng hơn 4,1 triệu cho nhân viên theo quy chế ESOP của ngân hàng. Công đoàn sẽ thực hiện chuyển quyền sở hữu thông qua VSD.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Ngân hàng Nhà nước đốc thúc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 - Ảnh 4
Diễn biến giá cổ phiếu ACB.

Vào đầu tháng 7, ACB niêm yết bổ sung 675,4 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành lên 3,37 tỷ cổ phiếu. Qua đó vốn điều lệ của ngân hàng nâng lên 33.774 tỷ đồng. Ngày thay đổi niêm yết có hiệu lực từ 6/7.

Hà Phương (t/h)

Hà Phương (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ