Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Một ngân hàng được tăng trưởng tín dụng tới 17,7% trong năm nay
Những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua như: Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh room tín dụng lên tới 4%; Vietcombank được tăng trưởng tín dụng tới 17,7% trong năm nay;...
Ngân hàng chính thức điều chỉnh room tín dụng lên tới 4%
Một trong những tin ngân hàng nổi bật tuần qua là sự kiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức gửi văn bản điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Theo đó, NHNN đã thông báo tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở: Kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52/2018/TTNHNN (đã được sửa đổi, bổ sung); Xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro,…
Cụ thể, hạn mức tín dụng được cấp của một số ngân hàng nằm trong danh sách được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần này như sau: Sacombank (STB) 4%; HDBank 3,4%; MB (3,2%); OCB (3,1%); VIB (3%).
Ngân hàng Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức khiêm tốn hơn.
Đến ngày 26/8/2022, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua.
Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo tại Chỉ thị 01.
Việc thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Vietcombank được tăng trưởng tín dụng tới 17,7% trong năm nay
Mới đây, NHNN đã nới room tín dụng cho một số ngân hàng. Trong danh sách các nhà băng được nới ở mức cao có thể kể đến Sacombank, VIB, OCB, MB, Vietcombank, SHB...
Chia sẻ về việc được NHNN tăng giới hạn tín dụng tối đa, đại diện Vietcombank cho biết: Trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 đó là kiểm soát tốt lạm phát, NHNN quyết định tăng giới hạn tín dụng tối đa cho các tổ chức tín dụng trong năm 2022 để hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2022. Về phía Vietcombank cũng đã được NHNN chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến 31/12/2022.
"Như vậy, trong suốt cả năm 2022, Vietcombank đã được tăng tín dụng ở mức 17,7% so với số dư cuối kỳ vào thời điểm 31/12/2021" - vị lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Cũng theo ông, để được NHNN chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến cuối năm 2022, trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã nỗ lực để đạt được xếp hạng hạng A theo Thông tư 52 của NHNN về qui định xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, ngân hàng Vietcombank đã thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu về an toàn vốn, về thanh khoản, về chất lượng điều hành cũng như đạt kết quả tốt về hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã thực hiện tốt các chỉ đạo của NHNN như giảm lãi suất, cho vay đối với doanh nghiệp và người dân cũng như hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém.
Sau khi được NHNN cho phép tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa, Vietcombank sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp, duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay, đảm bảo ở mức hợp lý, hỗ trợ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp.
Ông Trần Tấn Lộc tiếp tục giữ chức Tổng giám đốc Eximbank thêm 3 năm
Tuần qua, tin ngân hàng đáng quan tâm là sự kiện HĐQT ngân hàng Eximbank (mã: EIB) quyết định tái bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc làm Tổng giám đốc. Thời gian bổ nhiệm là 3 năm, quyết định có hiệu lực từ ngày 8/9.
Trước đó, tháng 9/2021 HĐQT Eximbank đã bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc giữ chức vụ Tổng giám đốc của ngân hàng sau hơn hai năm bỏ trống.
Ông Trần Tấn Lộc sinh năm 1969 là Tiến sĩ Kinh tế, đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại Eximbank. Trước khi được bổ nhiệm vị trí người đứng đầu trong ban điều hành, Ông Lộc đã giữ các vị trí như phó phòng, trưởng phòng, trợ lý tổng giám đốc, phó tổng giám đốc thường trực, quyền tổng giám đốc, phó tổng giám đốc.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không \'\'đẻ\'\' thêm giấy phép con để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%
Ngay sau khi nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng, NHNN đã ban hành văn bản thúc đẩy việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo đó, Thống đốc yêu cầu rà soát danh sách các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 và có phát sinh thời điểm trả nợ từ ngày 20/5/2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Rà soát lại các quy định, hướng dẫn nội bộ để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN; không ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất; không để xảy ra trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.
Quán triệt, động viên tới từng chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống về việc xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời triển khai thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Thành lập đường dây nóng (Số điện thoại, Email) tại Hội sở chính ngân hàng thương mại để nắm bắt phản ánh từ khách hàng và kịp thời xử lý, không để khách hàng phản ánh tới các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí về việc không tiếp cận được chính sách từ ngân hàng thương mại.
Chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống và kịp thời phản ánh với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Số liệu từ NHNN cho biết , theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng.
Ngày 07/09, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody\'s Investors Service (Moody’s) đã nâng xếp hạng tín nhiệm của 8 ngân hàng bao gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, OCB, SeABank, TPBank và VIB.
Cụ thể, Moody’s nâng một bậc tín nhiệm với xếp hạng tiền gửi, nhà phát hành nợ bằng nội tệ và ngoại tệ của 8 ngân hàng này. Đồng thời, 7 ngân hàng bao gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBANK, LienVietPostBank, SHB và MSB được nâng 1 bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ lẫn ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác.
Ở lần đánh giá này, Moody’s cũng điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Agribank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank từ “tích cực” sang “ổn định”. Trong khi đó, triển vọng tín nhiệm của SHB vẫn được giữ nguyên ở mức “tích cực”, còn triển vọng của ABBANK, LienVietPostBank và MSB vẫn là “ổn định”. Động thái nâng bậc tín nhiệm của Moody’s xuất phát từ việc bậc tín nhiệm dài hạn của Việt Nam vừa được nâng lên từ Ba3 lên Ba2 trong ngày 06/09/2022.
Việc Moody’s nâng xếp hạng phản ánh sức mạnh kinh tế Việt Nam ngày càng tăng so với các nước cùng nhóm. Bên cạnh đó, khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc kinh tế vĩ mô bên ngoài cũng được cải thiện nhờ áp dụng các biện pháp chính sách hiệu quả.
Moody’s còn cho biết vị thế tài chính của Việt Nam đã tốt hơn nhờ kiểm soát lãi suất cho vay ở mức hợp lý, cách tiếp cận thận trọng với chính sách tài khóa và sự cải thiện trong thanh khoản của Chính phủ Việt Nam.
Ngoài ra, tổ chức xếp hạng này đánh giá sức mạnh kinh tế của Việt Nam được củng cố bởi năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao và việc tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực cạnh tranh tăng trong khu vực sản xuất chế biến chế tạo của Việt Nam thể hiện hiệu quả vượt trội so với các quốc gia cùng mức xếp hạng trong khu vực và đã góp phần cải thiện thu nhập ngày càng tăng của người dân.