Ngân hàng tuần qua: Hé lộ kế hoạch chia nhau khoản lãi chục nghìn tỷ

(VNF) - VietinBank đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. Lãnh đạo Techcombank cũng cho biết, năm 2023 có thể là năm cuối cùng Techcombank không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng hé lộ kế hoạch chia cổ tức
Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng hé lộ kế hoạch chia cổ tức

Lãi suất cho vay lùi dần về 10%: Chính sách đã ngấm, tiền ứ chờ khách

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết tại các ngân hàng, lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng tư nhân đã được điều chỉnh về quanh mốc 10%/năm từ mức 11-12% hồi cuối tháng trước.

Theo giới phân tích, lãi suất cho vay sẽ có nhiều dư địa để giảm sâu trong thời gian tới.

Giới phân tích nhận định, lãi suất cho vay bao giờ cũng có độ trễ nhất định để mặt bằng lãi suất huy động thấm dần vào nền kinh tế. Lãi suất cho vay có thể giảm rõ rệt hơn bắt đầu từ quý II/2023. Bởi, gần đây, một số ngân hàng đã công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

TS. Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù lãi suất huy động hạ nhiệt nhưng lãi suất cho vay cần độ trễ để giảm. Dự kiến phải từ cuối quý II, đầu quý III năm 2023, làn sóng hạ nhiệt lãi suất mới diễn ra rộng, sâu hơn.

Thêm nữa, lãi suất cho vay hiện vẫn chưa giảm đủ sâu. Lãi suất cho vay cần giảm hơn nữa để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp vay vốn.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất cho vay vẫn đang ở mức rất cao nên họ không dám vay vốn. Lãi suất quá cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp gặp khó trong triển khai mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh khiến nhu cầu vay vốn thấp.

Số liệu từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2023 không cao so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này xuất phát từ tình hình khó khăn tại nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho biết đang rất cần vốn để duy trì sản xuất nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn, bởi vì ngân hàng đòi hỏi quá nhiều hồ sơ, thủ tục kèm theo các điều kiện, nếu đáp ứng được thì phải xếp hàng chờ nhưng không biết đến khi nào mới được giải ngân.

Hơn 140 triệu cổ phiếu LPB do VNPost đấu giá ‘ế hàng’

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), phiên đấu giá cổ phần của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HoSE: LPB) do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu sẽ không được tổ chức.

Nguyên nhân do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 14/4/2023), HNX ghi nhận không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia mua cổ phần, không đủ điều kiện tổ chức phiên đấu giá theo quy định.

Trước đó, VNPost dự kiến bán đấu giá hơn 140 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 10,15% vốn của ngân hàng này. Giá khởi điểm được công bố là 22.908 đồng/cổ phần, tương đương cả lô là hơn 3.200 tỷ đồng.

Mức giá khởi điểm cho 1 cổ phần LPB cao hơn gấp rưỡi so với thị giá của cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên VNPost thoái vốn LienVietPostBank. Vào đầu năm 2022, VNPost từng chào bán hơn 122 triệu cổ phiếu LPB với giá khởi điểm 28.930 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá diễn ra không thành công khi hết hạn đăng ký mua cổ phần (từ ngày 25/1 đến ngày 16/2) chỉ có 7 nhà đầu tư là cá nhân trong nước đăng ký mua tổng cộng 800 cổ phần LPB do VNPost, tương đương số tiền tối thiểu thu về là hơn 23 tỷ đồng.

ĐHCĐ VPBank: Đã nhận tiền cọc từ SMBC, để ngỏ khả năng nới room ngoại lên 49%

Chia sẻ tại đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) tổ chức chiều 18/4, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết thời gian qua, mặc dù kinh tế khó khăn, khủng hoảng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản nhưng VPBank vẫn ghi nhận tăng trưởng cao, đặc biệt là về quy mô nguồn vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng liên tục mở rộng hệ sinh thái với việc phát triển công ty chứng khoán, mua lại công ty bảo hiểm OPES và gia hạn hợp tác độc quyền với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam).

Tuy nhiên, bối cảnh này cũng đem đến rất nhiều thách thức. Cụ thể, theo ông Vinh, việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngành ngân hàng. Với VPBank, công ty con FE Credit chịu tác động rất mạnh và năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Chia sẻ thêm tại đại hội, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết ngân hàng đã nhận được 10% tiền đặt cọc từ đối tác Nhật Bản trong thương vụ bán 15% vốn điều lệ. Dự kiến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ hoàn thành thương vụ này.

Về vấn đề tái cấu trúc ngân hàng yếu kém, ông Ngô Chí Dũng cho biết VPBank hiện là 1 trong 4 ngân hàng thuộc danh sách tham gia tái cơ cấu ngân hàng chuyển giao bắt buộc và đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất. Trong dự thảo đề án tái cơ cấu, 2/4 ngân hàng thương mại tham gia sẽ được nới giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) lên 49%. Với VPBank, việc nới room ngoại còn phục thuộc vào nhiều yếu tố do các quá trình mới đang trong trạng thái nghiên cứu, đề xuất, chờ phê duyệt.

Liên quan đến cổ tức tiền mặt, Chủ tịch VPBank cho hay trong chiến lược 5 năm 2022 – 2026, có nội dung chia cổ tức bằng tiền mặt, dự kiến khoảng 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.

VietinBank lên kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) trong tuần qua đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2023. Theo đó, cổ đông của ngân hàng đã thông qua kế hoạch tổng tài sản tăng từ 5-10% so với mức ghi nhận ở thời điểm cuối năm 2022.

Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và định hướng chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Nguồn vốn huy động dự kiến tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số an toàn thanh khoản.

Lợi nhuận trước thuế mục tiêu không được công bố con số cụ thể. VietinBank cho biết sẽ thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ nợ xấu sẽ duy trì dưới mức 1,8%.

Về cổ tức, tỷ lệ chi trả và cơ cấu chi trả (tiền mặt, cổ phiếu) của VietinBank sẽ thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, sau khi trích quỹ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ khen thưởng, VietinBank dự kiến dùng phần lợi nhuận còn lại (12.330 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khối lượng phát hành là hơn 1,2 tỉ đơn vị.

Kéo dài thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách vay vốn gặp khó khăn

Theo Dự thảo thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ, trên cơ sở đề nghị của khách hàng và khả năng tài chính của ngân hàng.

Để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoản vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: khoản vay phát sinh trước ngày thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong thời gian từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Ngoài ra, khoản vay được ngân hàng đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, khách hàng được ngân hàng đánh giá không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi theo thời hạn trả nợ khi được cơ cấu lại. Thông tư cũng quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thời hạn trả nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện đến hết 31/12.

Ngoài cơ cấu thời hạn trả nợ như trên, NHNN cũng dự kiến cho phép ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Sếp cũ Techcombank làm quyền Tổng giám đốc NCB

HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) trong tuần qua đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Tạ Kiều Hưng giữ chức quyền Tổng giám đốc NCB.

Theo giới thiệu, ông Hưng sinh năm 1980, là thạc sỹ quản trị kinh doanh, tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân, bằng MBA chương trình Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG).

Tháng 12/2022, ông Hưng gia nhập NCB với vai trò Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân.

Trước khi gia nhập NCB, ông Hưng có gần 20 năm giữ các vị trí quản lý cấp cao tại Techcombank như giám đốc vùng, giám đốc phát triển sản phẩm, giám đốc phát triển kinh doanh, phó giám đốc khối ngân hàng cá nhân, giám đốc sáng kiến phát triển năng lực lãnh đạo, giám đốc chuyển đổi mảng quản trị rủi ro khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước đó, đại hội đồng cổ đông NCB năm 2023 cũng đã thông qua việc kiện toàn Ban Kiểm soát với việc bầu bổ sung bà Đỗ Thị Đức Minh và ông Nguyễn Văn Quang làm thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025, thay cho bà Trần Thị Hà Giang và bà Trần Thị Minh Huệ, đều có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Ban Kiểm soát NCB sau đó cũng đã họp và bầu vị trí Trưởng Ban Kiểm soát mới, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với bà Đỗ Thị Đức Minh.

ĐHCĐ Techcombank: '2023 có thể là năm cuối không chia cổ tức tiền mặt'

Ngày 22/4, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Chia sẻ tại đại hội, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết sở dĩ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng suy giảm trong thời gian qua là do những bất ổn trên thị trường trái phiếu và bất động sản khiến nhu cầu đầu tư giảm sút, vậy nên rất nhiều khách hàng đã chuyển từ gửi tiền không kỳ hạn sang gửi tiền có kỳ hạn.

Bình luận về những khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, cho hay đây là 2 lĩnh vực thế mạnh của ngân hàng nên ngân hàng cũng đã chịu tác động lớn. Tuy nhiên, trong khó khăn, việc quản trị rủi ro vẫn được thực hiện tốt với tỷ lệ nợ xấu thấp.

Người đứng đầu Techcombank tin rằng các thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại. "Thị trường bất động sản hiện mang yếu tố niềm tin nhiều hơn, khi niềm tin trở lại, nhu cầu trở lại thì các vấn đề khác sẽ được giải quyết", ông Hùng Anh nói.

Liên quan đến kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm 14% so với năm 2022, Chủ tịch Techcombank cho biết đây là kịch bản lợi nhuận thận trọng nhất, bởi "thị trường khó khăn thì thận trọng vẫn tốt hơn". Lãnh đạo Techcombank tiết lộ kết quả kinh doanh quý I vượt kế hoạch đề ra.

Về vấn đề chia cổ tức, Chủ tịch Techcombank cho hay phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được thực hiện nếu như ngân hàng cần phải cải thiện các chỉ số. Còn với việc chia cổ tức bằng tiền mặt, ông Hồ Hùng Anh tiết lộ 2023 có thể là năm cuối cùng Techcombank không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Về giá cổ phiếu Techcombank, ông Hồ Hùng Anh cho rằng giá cổ phiếu có thể "gấp 5, gấp 10 hiện giờ" và "nếu đầu tư dài hạn thì không có gì phải suy nghĩ".

Hải Đường

Theo VietnamFinance