Ngân sách phụ thuộc nhiều vào đất: Doanh nghiệp mất động lực...
Khi tỷ suất lợi nhuận từ đất đai quá lớn, chuyên gia lo ngại doanh nghiệp không cần và cũng không có động lực để làm gì.
Tại nghị trường kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) bày tỏ lo ngại khi thu ngân sách Nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào thu từ đất đai, từ tài nguyên, nên thiếu tính bền vững.
Điều này được minh chứng qua báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020 mà Chính phủ gửi đến Quốc hội. Theo đó, năm 2020, Chính phủ dự toán thu từ tiền sử dụng đất là 95,9 ngàn tỷ đồng và trong kỳ họp cuối năm báo cáo Quốc hội ước đạt 121 ngàn tỷ đồng. Nhưng kết quả thực hiện đạt 172,7 ngàn tỷ đồng, vượt 76,8 ngàn tỷ đồng (80,1%) so với dự toán, tăng 51,7 ngàn tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội.
Cũng nhờ nguồn thu từ đất, thu ngân sách địa phương về tổng thể vượt 59,74 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với dự toán (trước đó đã báo cáo Quốc hội giảm 62,4 ngàn tỷ đồng), chủ yếu là vượt các khoản thu từ nhà, đất, phí và lệ phí, hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách.
Chia sẻ với nỗi lo của đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, sự phụ thuộc của thu ngân sách vào đất đai, tài nguyên đã kéo dài nhiều năm. Một khi ngân sách phụ thuộc vào đất đai ngày càng tăng thì doanh nghiệp không cần làm gì, hoặc không có động lực để làm gì vì tỷ suất lợi nhuận từ đất đai quá lớn.
Phân tích cụ thể, vị chuyên gia cho biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Có nhiều loại thuế như: thuế trực thu, thuế gián thu, thuế kinh doanh, thuế tài sản. Nếu như kinh doanh có thể có lên lên xuống xuống, có thăng trầm, khủng hoảng, song tài sản lại khá ổn định dù nó lớn lên một cách từ từ.
Người giàu là những người có nhiều tài sản. Họ có nhiều thu nhập và thu nhập ấy không đổ vào đầu tư kinh doanh để tăng thêm mà đầu tư vào bất động sản - một hình thức đầu tư tương đối ổn định, lãi suất thấp nhưng vì tài sản rất lớn nên nguồn thu của những chủ thể này vẫn rất ổn định.
"Kinh doanh có thể gặp khó khăn vì Covid-19, nhưng đất không mất đi, trái lại giá trị của nó ngày càng tăng lên. Với chừng ấy đất đai, người ta vẫn phải nộp thuế đất đầy đủ, trừ khi Nhà nước có chính sách giảm thuế", PGS.TS Lê Cao Đoàn nói.
Lý giải nguồn thu từ đất tăng, vị chuyên gia cho rằng có thể có nhiều nguyên nhân: do giá trị của đất tăng, giao dịch đất đai nhiều, Nhà nước siết chặt kiểm soát đất hơn... Dù vậy, ông khẳng định, không nên quá vui mừng vì chuyện này.
Sốt đất khắp nơi giúp ngân sách tăng thu. Ảnh minh họa |
"Nguồn thu từ đất tăng không ảnh hưởng gì bởi hoạt động hay sức mạnh của nền kinh tế. Nó cứ diễn ra tự nhiên như vậy. Ai muốn kiếm tiền nhanh thì kinh doanh, rủi ro nhiều nhưng lãi suất cao. Còn ai có nhiều tiền rồi thì lại thường đầu tư vào bất động sản, chậm nhưng chắc", ông nói.
Nhìn rộng ra, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng, một nền kinh tế muốn phát triển mạnh và bền vững hay không, không thể cứ chăm chắm dựa vào FDI và đất, mà phải dựa vào hệ thống kinh doanh. Doanh nghiệp trong nước có mạnh lên thì nền kinh tế mới phát triển được.
Cùng chia sẻ quan điểm, một vị chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, đóng góp của bất động sản vào GDP ngày càng giảm, nhưng tầm quan trọng ngày càng tăng. Sự đóng góp ấy không chỉ thông qua hoạt động kinh doanh bất động sản trực tiếp mà còn qua yếu tố vốn là đất đai.
Lý do đóng góp của bất động sản vào GDP ngày càng giảm là do công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng lớn. Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo) của Việt Nam lại là nền công nghiệp gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào FDI rất lớn, hàm lượng giá trị tăng thêm rất thấp. Hàm lượng giá trị tăng thêm mà phía Việt Nam nhận được còn thấp hơn nhiều, nhưng hệ quả là ô nhiễm môi trường lại nhiều nhất.
"Công nghiệp tăng quá lớn, mà tăng bao nhiêu FDI được hưởng bấy nhiêu, nền kinh tế gia công của Việt Nam được hưởng gì?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.
Minh chứng điều này, vị chuyên gia dẫn số liệu từ Niên giám Thống kê được chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đăng tải trong một bài viết, đó là: tăng trưởng bình quân của khoản chi trả sở hữu trong giai đoạn 2013-2018 cao hơn mức tăng trưởng GDP bình quân cùng giai đoạn khoảng 11 điểm phần trăm. Năm 2019 các doanh nghiệp FDI chuyển tiền ra khỏi Việt Nam khoảng 18 tỷ USD, làm thu nhập quốc gia (GNI) ngày càng chiếm tỷ trọng nhỏ đi so với GDP. Năm 2013 GNI bằng 97% GDP, đến 2018 tỷ lệ này còn 92% GDP.
Một điểm khác, theo số liệu được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam công bố trong đề tài khoa học "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam: Vai trò và khuyến nghị chính sách" hồi đầu tháng 1/2021, thị trường bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng...
Nhắc lại thông tin này, vị chuyên gia cho rằng, thực chất ngành nào cũng lan tỏa đến hàng chục ngành khác, thậm chí một hành động của một con người bình thường cũng có tác động lan tỏa đến nhiều ngành trong nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành có khả năng lan tỏa cao nhất chính là nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến sản phẩm của nông nghiệp.