Ngành du lịch sẽ được phục hồi theo xu hướng nào?
Tác động của Covid-19 đã thay đổi hầu hết mọi khía cạnh của ngành khách sạn từ cách thức đặt phòng đến các dịch vụ du khách tìm kiếm tại nơi lưu trú..., buộc các khách sạn phải thay đổi chiến lược toàn diện.
Động lực lớn đến từ khách nội địa
Amadeus Hospitality - công ty phần mềm cho khách sạn mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát với các chủ khách sạn trên toàn thế giới và tổng hợp thành báo cáo "Rebuilding Hospitality".
Trong báo cáo, khi được hỏi nhóm du khách nào sẽ góp phần phục hồi trong năm 2021, 63% chủ khách sạn chỉ ra rằng nhóm khách du lịch nghỉ dưỡng (leisure travel) và đặc biệt là nhóm khách này ở thị trường nội địa có lượt đặt phòng tăng mạnh.
Công ty Amadeus chỉ ra rằng 2/3 kết quả của cuộc khảo sát không mong đợi việc các nơi lưu trú đạt được mức công suất bình thường như trước đại dịch cho đến cuối năm 2022. Vì thế, khi chân dung nhóm du khách đã thay đổi, ít nhất là trong năm tới, nhiều nơi lưu trú đã phải định hình lại sản phẩm và chiến lược của họ.
Theo khảo sát tỉ lệ của các nhóm khách có tiềm năng giúp ngành khách sạn phục hồi trong năm 2021 chia làm 6 nhóm. Chiếm tỉ lệ cao nhất 44,91% là nhóm khách trong nước đi nghỉ dưỡng, tiếp theo là nhóm khách trong nước đi công tác chiếm 22,09%. Như vậy, khách nội địa bao gồm cả khách đi nghỉ dưỡng và khách đi công tác sẽ vẫn là động lực chính cho ngành du lịch trong thời gian tới.
Khách di chuyển quốc tế cũng sẽ phục hồi nhưng không phải câu chuyện một sớm một chiều do nhiều yếu tố tác động. Khách quốc tế đi nghỉ dưỡng chiếm 10,6%. Điều này có thể dược lý giải rằng khi chính sách mở cửa của các quốc gia còn khá mập mờ thiếu thông tin, và người đi du lịch cũng lo ngại về khả năng bùng lại của dịch, cùng với chính sách hoàn hủy dịch vụ sẽ khiến khách mất chi phí.
Cũng do các yếu tố liên quan tới giãn cách, khách đi theo nhóm sẽ không còn là xu hướng nổi trội nữa, mà thu hẹp lại dần. Khách đi theo nhóm chiếm tỉ lệ thấp trong đó chỉ có 7,85% là khách đi công tác theo nhóm và 7.12% là khách đi thăm quan theo nhóm.
Xu hướng làm việc tại nhà, họp online đã trở thành xu thế trong suốt 2 năm qua nên lượng khách đi công tác quốc tế cũng sẽ suy giảm đáng kể chỉ còn 5,71%.
Xây dựng niềm tin với khách du lịch
Theo Travelport, một nghiên cứu từ 11.000 du khách đến từ 10 quốc gia khác nhau đã cho thấy rằng ngành du lịch có thể thúc đẩy sự phục hồi bằng cách giải quyết 4 lỗ hổng trong việc xây dựng niềm tin đối với du khách.
Cụ thể, hai khía cạnh thiết yếu nhất trong việc nâng cao lòng tin của khách đối với các đại lý du lịch và nhà cung cấp dịch vụ du lịch, chẳng hạn như dịch vụ hàng không, là cung cấp đầy đủ giá - "không có chi phí ẩn" (55%) và cung cấp dịch vụ linh hoạt/có thể hoàn tiền (45%).
Sự minh bạch về giá cả: 2 yếu tố cần thiết nhất làm tăng sự tin tưởng từ du khách đối với các công ty cung cấp dịch vụ du lịch, ví dụ như hàng không, là cung cấp đầy đủ giá - "không có chi phí ẩn" (chiếm 55% câu trả lời) và cung cấp "dịch vụ linh hoạt hoặc có thể hoàn tiền" (chiếm 45% câu trả lời).
Sức khỏe & An toàn về Covid-19: Đa số du khách tham gia nghiên cứu (56%) cho biết ngành du lịch đã thực hiện tốt các biện pháp an toàn và sức khỏe Covid-19. Tuy nhiên, khoảng một nửa cho biết họ muốn một số biện pháp đang được thực hiện có sự cải thiện thiết thực hơn như: cải thiện hệ thống lọc không khí, giãn cách xã hội và quản lý việc xếp hàng và lên máy bay.
Bảo mật dữ liệu: Đối với việc sử dụng dữ liệu để cá nhân hóa trải nghiệm, du khách chỉ ra rằng họ cảm thấy thoải mái nhất khi công ty sử dụng dữ liệu mà họ chủ động chia sẻ qua những đoạn hội thoại riêng 1-1 (chiếm 46% câu trả lời) hoặc từ việc đặt chỗ trước đó (chiếm 46%) và từ những hoạt động dành cho khách hàng thân thiết (chiếm 44%)
Nguồn thông tin tin cậy: Theo nghiên cứu, nguồn thông tin đáng tin cậy đối với du khách khi tìm kiếm về chuyến đi là từ bạn bè và gia đình (chiếm 67%) cũng như những đánh giá từ trang web (chiếm 50%). Ngoài ra, xếp hạng của khách (chiếm 54%) và thông tin đánh giá từ khách hàng (chiếm 51%) cũng là một trong những nguồn đáng tin cậy nhất.