Ngay năm sau, Việt Nam sẽ khởi công cây cầu 1.600 tỷ đồng bắc qua kênh đào lớn bậc nhất miền Tây
Cây cầu có tổng chiều dài khoảng 2,6km, dự kiến có 6 vị trí cầu, 5 vị trí cống.
Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang vừa họp và thông qua phương án sơ bộ thiết kế dự án cầu và đường Nguyễn Chí Thanh tại TP. Vị Thanh, với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 1.600 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ khởi công vào năm sau, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Dự kiến, cầu Nguyễn Chí Thanh có tổng chiều dài khoảng 2,6km, bao gồm 6 vị trí cầu và 5 vị trí cống. Điểm đầu dự án kết nối với đường Nguyễn Chí Thanh hiện hữu, cách đường Trần Hưng Đạo khoảng 450m, điểm cuối kết nối với đường 19 Tháng 8 tại xã Vị Tân.
Các hạng mục chính của dự án bao gồm xây dựng cầu Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn và các chi phí giải phóng mặt bằng. Cầu Nguyễn Chí Thanh dự kiến rộng 29m, dài khoảng 380m tính từ hai đầu mố cầu. 5 cầu còn lại trên tuyến sẽ có bề rộng cầu là 14m. Phần đường tuyến dài khoảng 2,2km sẽ được đầu tư phân kỳ, với bề rộng mặt đường 10,5m và nền đường 11,5m.
Thiết kế của cầu Nguyễn Chí Thanh được thực hiện theo phương án "quăng chài - kéo lưới", lấy cảm hứng từ biểu tượng cá thát lát và khóm Cầu Đúc, kết hợp với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách. Thiết kế này phù hợp với cảnh quan và hình thái kiến trúc đặc trưng của tỉnh Hậu Giang.
Phần cầu chính có 9 nhịp bằng bê tông cốt thép. Trong đó 3 nhịp giữa dài 140m (50-40-50m).
Dự án cầu Nguyễn Chí Thanh được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, kết nối TP. Vị Thanh với Quốc lộ 61C đi Cần Thơ. Đây là bước đệm quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng không gian đô thị TP. Vị Thanh theo hướng Nam - Bắc kênh xáng Xà No.
Cũng tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với TP. Vị Thanh và Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quy hoạch sử dụng đất. Nếu chưa có, các bên phải khẩn trương bổ sung vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để có thể thực hiện các bước tiếp theo.
Sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, công tác bồi thường sẽ được triển khai ngay. Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cũng đang lên kế hoạch thực hiện, dự kiến dự án sẽ được khởi công vào năm 2025.
Kênh xáng Xà No có chiều dài khoảng 45km, bắt nguồn từ ngã ba Vàm Xáng trên sông Cần Thơ và kéo dài qua huyện Phong Điền, trước khi chảy ra sông Cái Lớn tại Kiên Giang, hướng ra biển Tây. Đây là công trình thủy lợi lớn đầu tiên ở Nam Bộ, được thực hiện bằng kỹ thuật phương Tây.
Một đoạn kênh Xà No nhìn từ trên cao. Ảnh: Lý Anh Lam
Kênh xáng Xà No không chỉ giúp tiêu thoát nước cho khoảng 40.000ha đất thuộc miền Hậu Giang mà còn hỗ trợ việc khai hoang, sản xuất và định cư của người dân. Tuyến kênh này còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các tụ điểm giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội sầm uất, trở thành huyết mạch giao thương lúa gạo của vùng.
Theo số liệu năm 1899, nhờ sự xuất hiện của kênh Xà No, sản lượng lúa gạo xuất khẩu từ Nam Kỳ đã tăng từ 500.000 tấn lên 1,3 triệu tấn mỗi năm. Kênh Xà No do đó được mệnh danh là "con đường lúa gạo" của miền sông Hậu và vẫn giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long suốt hơn 120 năm qua.