Nghệ An trở thành “điểm sáng” trong thu hút nguồn vốn FDI của cả nước
Vài năm trở lại đây, Nghệ An đã bất ngờ vươn lên trở thành tỉnh lọt vào top 10 về thu hút dòng vốn FDI, trở thành điểm đến mới cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 18/12/2023, vốn FDI đăng ký vào tỉnh Nghệ An đạt hơn 1,48 tỷ USD (chính xác là 1.480,57 triệu USD), đứng thứ 9 cả nước. Cụ thể, tỉnh này có 17 dự án cấp mới với 1.203,38 triệu USD và 11 dự án điều chỉnh tăng vốn với 271,17 triệu USD trong khu kinh tế và các khu công nghiệp; cùng 01 dự án cấp mới với 4,2 triệu USD và 01 dự án điều chỉnh với 1,82 triệu USD ở ngoài khu kinh tế và các khu công nghiệp.
Thực tế cho thấy, Nghệ An không thuộc nhóm các địa phương thu hút vốn FDI số 1 về quy mô nhưng là tỉnh duy nhất quy tụ đủ 5 doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và Juteng đã rót hơn 1,3 tỷ USD vào tỉnh, dự kiến tạo ra hơn 86.000 việc làm. Từ số liệu nêu trên cho thấy Nghệ An đã trở thành “điểm sáng” trong thu hút nguồn vốn FDI của cả nước. Để làm được điều này, Nghệ An đã lên định hướng chiến lược chọn lọc dòng vốn FDI, ưu tiên dòng vốn chất lượng cao.
Hiện nay, tỉnh đặt mục tiêu thu hút đầu tư hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Ngay từ đầu trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh tập trung vào các đối tác, lĩnh vực có định hướng; với hướng triển khai có trọng tâm, không dàn trải, lồng ghép triệt để vào các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại và du lịch.
Sự đa dạng của ngành công nghiệp cùng các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm, giúp Nghệ An trở thành “mảnh đất lành" cho các “đại bàng” kéo về làm tổ.
Không dừng lại ở kết quả đã đạt được, tỉnh đặt mục tiêu phát huy những thành tựu đã có, khắc phục những hạn chế để liên tục thu hút vốn FDI từ cả đối tác truyền thống và mới trong giai đoạn 2021-2030.
Với mục tiêu “tham vọng” khi vốn FDI đăng ký đạt từ 3-3,5 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025 và 4,5-5 tỷ USD trong giai đoạn 2026-2030 (tương ứng 900 triệu - 1 tỷ USD/năm), tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện 5 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh quá trình hoàn thiện, mở rộng Khu kinh tế Đông Nam thành Khu kinh tế Nghệ An. Đồng thời, tỉnh liên kết chặt chẽ hoạt động xúc tiến đầu tư với các chương trình và cơ quan quốc gia, cũng như với các địa phương trong khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu theo Đề án Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, như: Cảng nước sâu Cửa Lò; Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2)..., phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.
Thứ ba, chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật có tay nghề, nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học... Tăng cường hợp tác, liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để thực hiện việc đào tạo nghề, nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư hạ tầng hiện có để chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng, mặt bằng sạch để đón các nhà đầu tư thứ cấp từ làn sóng đầu tư mới. Đồng thời, tỉnh chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp; nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức./.