Nghiên cứu giải pháp quản lý và phát triển lĩnh vực bảo hiểm: Nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh sa sút
Mặc dù đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của nhóm công ty bảo hiểm phi nhân thọ nhưng tốc độ tăng trưởng lại có phần chững lại, không có nhiều đột phá. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ báo lỗ trong năm 2022 do tỷ lệ bồi thường cho khách hàng tăng trở lại, cùng với đó là hoạt động đầu tư ảm đạm.
Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, thị trường bảo hiểm hiện có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với tổng tài sản ước tính đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15%. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt 68.201 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm trước. Chỉ tính riêng quý IV/2022, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm đã tăng khoảng 15,8% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 16,4%.
Doanh thu tăng trưởng hai con số
Là doanh nghiệp có thị phần nằm trong top đầu ngành bảo hiểm, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh ghi nhận tổng doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm đạt 4.496,2 tỷ đồng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 đạt 3.768,7 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 311 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 314 tỷ đồng của năm 2021.
Cùng chiều tăng đó, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 5.512,9 tỷ đồng cao hơn cùng kỳ năm trước 4.963,7 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 160,8 tỷ đồng thấp hơn so với năm 2021 là 189,5 tỷ đồng.
Xét về mức tăng trưởng doanh thu, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không là cái tên đáng chú ý khi đạt hơn 2.500 tỷ đồng trong năm 2021, tăng gần 50% so với năm 2021. Với quy mô khách hàng liên tục tăng mạnh, chỉ riêng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp này đạt gần đạt hơn 2.328 tỷ đồng, tăng hơn 56% so với mức thực hiện năm 2021.
Mới đây, DB Insurance, một tập đoàn bảo hiểm lớn của Hàn Quốc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không với một nhóm cổ đông gồm 19 nhà đầu tư cá nhân và một nhà đầu tư tổ chức. Nếu thương vụ trên diễn ra thành công, DB Insurance sẽ sở hữu 75% vốn điều lệ và nắm quyền chi bảo hiểm hàng không. "Ông lớn" Hàn Quốc này đã có mặt tại thị trường bảo hiểm Việt Nam hơn 10 năm nay và hiện vẫn đang là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện với 37% cổ phần.
Ngược lại với các doanh nghiệp bảo hiểm có mức tăng trưởng ấn tượng thì bảo hiểm Quân đội và Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam là những doanh nghiệp có mức thu từ hoạt động tài chính sụt giảm hơn 20% so với năm 2021.
Chi phí ăn mòn lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp báo lỗ
Ngành bảo hiểm từng được kỳ vọng sẽ đạt kết quả kinh doanh tươi sáng trong năm 2022 nhờ hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng khi phần lớn danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng bởi các doanh nghiệp bảo hiểm không dễ chuyển tiền gửi sang các kỳ hạn khác để tận dụng những đợt tăng lãi suất. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp bảo hiểm nắm giữ nhiều trái phiếu, khi lãi suất tăng khiến giá trái phiếu giảm thì họ còn có thể bị ảnh hưởng về mặt lợi nhuận.
Không chỉ có tiền gửi và trái phiếu, danh mục đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm còn bao gồm cổ phiếu và bất động sản… Việc giá trị chứng khoán và bất động sản liên tục suy giảm theo đà lao dốc và bi quan của thị trường khiến lãi chứng khoán “bay màu”, doanh nghiệp cũng phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư này.
Ngoài ra, lợi nhuận giảm còn do tỷ lệ bồi thường tăng trở lại khi các hoạt động kinh tế và xã hội được bình thường hóa.
Chỉ tính riêng trong quý IV/2022, doanh thu thuần bảo hiểm của Bảo hiểm Bưu Điện giảm 7% còn gần 1.322 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí bồi thường bảo hiểm xấp xỉ cùng kỳ năm trước nên doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm giảm tới 65% xuống chưa tới 49 tỷ đồng. Doanh thu từ kinh doanh bất động sản đầu tư của doanh nghiệp này cũng giảm 75% xuống còn gần 2 tỷ đồng. Kết quả, Bảo hiểm Bưu Điện lỗ sau thuế hơn 4,4 tỷ đồng và là quý thứ ba liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận thua lỗ.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng có mức giảm lợi nhuận hơn 20%, phải kể đến Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, ghi nhận lợi nhuận sau thuế 203,7 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2021 đạt 343,8 tỷ đồng.
Theo Bảo hiểm Petrolimex, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế TNDN 12 tháng năm 2022 chỉ bằng 59,3% so với cùng kỳ năm 2021 là do sự biến động dự phòng phí 12 tháng năm 2021 được hoàn nhập; chi phí tài chính 12 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ; tỷ lệ bồi thường cũng tăng do không còn giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam và Công ty cổ phần Bảo Minh là 2 doanh nghiệp ghi nhận mức lãi cao nhất trong năm qua với mức lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 463 tỷ đồng và 343 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Kết quả này phần lớn nhờ vào việc kiểm soát chi phí bán hàng và tài chính giúp các doanh nghiệp bảo hiểm đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tốt.