Người dân phải trả thêm bao nhiêu tiền mỗi tháng sau khi giá điện tăng 3%

Với mức tăng giá điện 3% mới được công bố, người dùng trên 400kWh một tháng sẽ phải chi trả thêm hơn 27.000 đồng.

Theo quyết định Bộ Công Thương ban hành chiều 4/5, giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 4/5 dao động 1.728-3.015 đồng một kWh tuỳ bậc thang. Quyết định này được đưa ra sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3%.

Với biểu giá mới, hai nhóm bậc thang tiêu thụ thấp nhất (100 kWh trở xuống) có mức tăng thấp hơn bình quân (2%). Các hộ gia đình có mức tiêu thụ trên 100 kWh mỗi tháng chịu giá mới tăng 3%, bằng mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ hôm nay.

Theo tính toán, các hộ dùng điện sinh hoạt dưới 50 kWh một tháng phải trả thêm 2.500 đồng. Hộ dùng 100-300 kWh một tháng, số tiền điện phải trả thêm 5.100-18.700 đồng và trên 400 kWh là 27.200 đồng một tháng.

Giá bán điện cho ngành sản xuất được chia theo cấp điện áp và khung giờ thấp - cao điểm và bình thường. Theo đó, giá bán điện cao nhất vào khung giờ cao điểm là 3.171 đồng, giờ bình thường là 1.738 đồng và thấp điểm là 1.133 đồng mỗi kWh.

Khối hành chính sự nghiệp có giá điện mới 1.690- 1.940 đồng một kWh tuỳ khung giờ, cấp điện áp. Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch khá cao giữa giờ cao điểm, thấp điểm, tương ứng là 4.724 đồng và 1.402 đồng mỗi kWh. Giá này chưa gồm thuế VAT.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, hiện có khoảng 3,3 triệu hộ khách hàng mua điện trực tiếp của EVN. Cơ cấu mua điện năm 2022 có thay đổi so với năm 2021. Khách hàng công nghiệp có 1,8 triệu khách hàng, 662 nghìn khách hàng hành chính sự nghiệp.

Sau thay đổi giá, ước tính hơn 1,82 triệu hộ khách hàng dùng điện sản xuất phải trả thêm 307.000 đồng một tháng. Khách hàng sử dụng điện kinh doanh trả thêm 141.000 đồng một tháng; hành chính sự nghiệp khoảng 40.000 đồng một tháng.

Người dân phải trả thêm bao nhiêu tiền mỗi tháng sau khi giá điện tăng 3% - Ảnh 1
 

Trao đổi về việc điều chỉnh giá điện và những tác động của việc tăng giá điện đối với nền kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Điện là loại năng lượng đặc biệt, mặt hàng chiến lược do nhà nước quản lý giá, là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Thiếu điện sẽ dẫn tới sản xuất đình đốn, đảo lộn cuộc sống của người dân.

Hiện nay, tỷ trọng nhiệt điện than, nhiệt điện khí và nhiệt điện dầu chiếm 43,5% tổng sản lượng điện quốc gia. Nói cách khác, điện sản xuất ra từ nhiên liệu hóa thạch chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi đó giá than dùng để sản xuất điện năm 2022 tăng 264% và giá xăng dầu tăng 143% so với năm 2021.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng lần gần đây nhất vào tháng 3 năm 2019, với mức tăng 8,36%, đã 4 năm điện không tăng giá, trong khi đó khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu.

"Nếu không điều chỉnh giá điện sẽ làm cho các đơn vị sản xuất kinh doanh và hộ gia đình không có ý thức sử dụng tiết kiệm", TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Theo ông, khi giá điện tăng, các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí để giảm giá thành sản phẩm, sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm hơn; đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của doanh nghiệp bằng cách đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự cung cấp điện cho sản xuất.

Mặt khác nếu vốn nhà nước tại EVN không được bảo toàn và mở rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng đầu tư gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của nền kinh tế. Đồng thời, gây khó khăn và cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng của nước ta vì sản xuất năng lượng tái tạo đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, giá điện tăng sẽ giúp cho tập đoàn bớt khó khăn. Từ nay đến cuối năm còn khoảng 8 tháng nên sẽ tăng thêm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Mức tăng 3% tác động không nhiều đến CPI. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng 5% sẽ tác động khoảng 1,17%. Với mức tăng 3%, mức tăng sẽ tác động rất nhỏ, chỉ khoảng 0,17%.

Việc tăng giá điện, theo ông Nam, chỉ là một trong các giải pháp giảm bớt khó khăn cho EVN. Về nội tại EVN cũng phải tiết kiệm chi phí tối đa. Cụ thể, tập đoàn đã tiết kiệm, cắt giảm 30% thường xuyên. EVN cũng cắt giảm sửa chữa lớn tới 40%. Các chi phí nhân công, vận hành cũng được cắt giảm tối đa cùng đó tập đoàn ưu tiên huy động các nguồn điện giá thành thấp như thuỷ điện. Tập đoàn cũng làm việc, đàm phán với các đối tác, nhà đầu tư giảm chi phí bán hàng cho doanh nghiệp.

Theo đại diện EVN, tập đoàn đã làm việc với các tập đoàn như TKV, Tổng công ty Đông Bắc trong việc đảm bảo cấp than cho sản xuất điện. Hiện giá than nhập khẩu của TKV bán cho EVN đang khá cao, lên tới 2.400 USD/tấn. Với loại than nhập khẩu chất lượng tốt, giá lên tới 4.000 USD/tấn.

Cũng theo ông Nam, mức tăng 3% này chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho EVN. Tập đoàn đã có trình phương án tăng giá điện cao hơn mức 3% nhưng cơ quan quản lý đã có ý kiến chỉ tăng tối đa 3%. Hiện tại tình hình tài chính của EVN rất khó khăn.

Minh Thành

Theo Kinh doanh và Phát triển