Nguồn cung bất động sản tại Hà Nội có chuyển biến rõ rệt
Xuyên suốt năm 2024, thị trường nhà ở, đặc biệt phân khúc căn hộ để bán tại Hà Nội đã ghi nhận sức quan tâm mạnh mẽ từ phía người mua. Dự báo năm 2025, thị trường bất động sản Hà Nội bước vào chu kỳ phát triển mới, với sự thay đổi mạnh mẽ từ pháp lý, nguồn cung, giá cả và sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Số liệu thống kê từ CBRE cho biết, thị trường bất động sản Hà Nội và TP HCM ghi nhận khoảng 43.300 sản phẩm bao gồm căn hộ chung cư và nhà phố/biệt thự mở bán mới. Tuy nhiên, TP.HCM chỉ chiếm 12,2% tổng nguồn cung, với gần 5.300 sản phẩm; còn Hà Nội chiếm 87,8%, với gần 38.000 sản phẩm, cao gấp 7,1 lần so với TP.HCM.
Cụ thể tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ chung cư mở bán mới trong năm 2024 tăng gấp 3 so với năm 2023, vượt 30.900 căn và là nguồn cung mở bán mới theo năm cao nhất kể từ năm 2020.
Trong khi đó, nguồn cung căn hộ bán mở bán mới tại TP.HCM thấp nhất kể từ năm 2013, với chỉ 5.050 căn hộ mở bán mới. Dù vậy, riêng quý cuối năm, TP.HCM đã ghi nhận nguồn cung mở bán mới cải thiện,tăng mạnh gấp 26 lần so với quý trước.
Đối với loại hình nhà phố/biệt thự, CBRE cho biết, trong năm qua Hà Nội vẫn là điểm sáng về nguồn cung trên thị trường, với hơn 6.300 căn nhà phố/biệt thự mở bán mới từ các đợt mở bán tiếp theo của các khu đô thị hiện hữu ở Đông Anh và Hà Đông. So với năm ngoái, nguồn cung mới trong năm 2024 tại Hà Nội đã tăng gấp đôi.
Đánh giá nguồn cung nhà ở tại thị trường 2 thành phố lớn trong năm qua, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, chuyên gia CBRE cho rằng, đây là một bức tranh trái chiều rất rõ nét. Trong bối cảnh Hà Nội đang ngày càng cải thiện nguồn cung nhà ở qua từng quý thì TP.HCM lại tiếp tục hạn chế. Điều này cũng phần nào phản ánh khả năng hồi phục của thị trường bất động sản 2 thành phố lớn trong năm 2024.
Nói về triển vọng trong năm tới, chuyên gia này cho rằng nguồn cung thị trường nhà ở Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện. Trong đó, nguồn cung mới căn hộ chung cư ước đạt hơn 31.000 căn mở bán. Nguồn cung chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp, hạng sang và dự kiến mở rộng ra các khu vực phía Nam (quận Hoàng Mai), phía Đông (quận Long Biên) và phía Tây (huyện Đan Phượng). Sự dồi dào của nguồn cung mới sẽ góp phần duy trì mức tăng trưởng giá bán sơ cấp ổn định, dự kiến tăng trung bình 6 - 8% mỗi năm.
Với loại hình nhà ở gắn liền với đất, bên cạnh nguồn cung từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu, thị trường sẽ ghi nhận nguồn cung từ các dự án đô thị mới tại Đan Phượng, Long Biên và Tây Hồ trong vòng 2 - 3 năm tới. Tổng nguồn cung bất động sản gắn liền với đất tại Hà Nội dự kiến vượt 7.000 căn vào năm 2025.
Trong khi đó, nguồn cung bất động sản gắn liền với đất tại TP.HCM sẽ cải thiện nhờ vào các dự án đô thị mới triển khai ở khu Đông và khu Nam. Nguồn cung mới năm 2025 của thành phố dự kiến đạt khoảng 2.000 căn, gấp 8 lần so với năm 2024.
Cơ hội và thách thức của bất động sản Hà Nội năm 2025
Năm 2025 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường bất động sản Hà Nội. Với những thay đổi tích cực từ hành lang pháp lý, sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường được kỳ vọng sẽ đạt được sự ổn định và phát triển bền vững hơn.
Thị trường dự kiến đón nhận khoảng 23.000-30.000 căn hộ mới trong năm nay, chủ yếu tập trung tại các đô thị vệ tinh như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì.
Phân khúc cao cấp và hạng sang vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng nhờ sự gia tăng các dự án nhà ở xã hội, phân khúc bình dân được kỳ vọng sẽ có nhiều cải thiện, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.
Ngoài ra, các dự án lớn tại Ba Đình, Long Biên và Thạch Thất sẽ tiếp tục được triển khai, góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt nhà ở, đồng thời giúp ổn định giá trên thị trường.
Mặc dù vậy, những thách thức vẫn còn đó. Tình trạng chênh lệch nguồn cung giữa các phân khúc, áp lực tăng giá và các vấn đề pháp lý liên quan đến giải phóng mặt bằng, giao đất vẫn cần được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, Thị trường bất động sản 2025 dự báo sẽ tăng trưởng, nhưng đối mặt với thách thức từ giá nhà leo thang và lãi suất vay cao, nhất là bất động sản dân cư.
Nhóm chuyên gia VnDirect cho biết, nếu lãi suất tăng trở lại trong năm 2025, cả nhu cầu nhà ở lẫn nghĩa vụ nợ của nhà phát triển đều có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những tác động này cần được đánh giá kỹ lưỡng, đặc biệt là mức độ tăng thực tế của lãi suất.
Dù vậy, chuyên gia VnDirect cho rằng, rủi ro này có thể được giảm thiểu nếu Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách thuận lợi và hỗ trợ giải quyết các vướng mắc pháp lý cho các dự án.
“Nhưng rủi ro này có thể được giảm thiểu nhờ vào các chính sách thuận lợi, khi Chính phủ tiếp tục hỗ trợ giải quyết các vướng mắc pháp lý cho các dự án”, nhóm chuyên gia VnDirect nhấn mạnh.