Nguồn cung khan hiếm, giao dịch sụt giảm, bất động sản có suy thoái?
Mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm nhưng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khẳng định thị trường bất động sản chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm nhu cầu vẫn ở mức cao. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là với sản phẩm đất nền bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu.
Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố cho thấy, nguồn cung bất động sản thiếu và yếu về chất, chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Tổng cung 9 tháng đầu năm đạt 41.886 sản phẩm, tương đương 77,9% so với 2021 và 24% so với 2018.
Theo VARS, lực cầu mạnh nhưng hấp thụ không cao bởi sản phẩm phù hợp ít và giá quá cao. Lực cầu ở đây chủ yếu là cầu thực, cầu đầu tư dè dặt hơn vì yếu tố giá. Tỷ lệ hấp thụ trung bình 9 tháng chỉ đạt 43%. Riêng quý III, giảm mạnh so với quý I và II, chỉ đạt 33,5%.
Cũng trong quý III, giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, xuất hiện nhiều hình thức khuyến mại, tặng quà, chiết khấu...
Mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm nhưng Hội Môi giới khẳng định thị trường bất động sản chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm nhu cầu vẫn ở mức cao. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là với sản phẩm đất nền bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu.
Dự báo quý IV/2022, VARS nhận định nguồn cung nhà ở tiếp tục khan hiếm, giá không tăng. Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, phân khúc này tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn do quỹ đất còn nhiều, ưu thế khí hậu bên cạnh hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư.
Cũng theo VARS, bất động sản công nghiệp sẽ khởi sắc khi làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp quốc tế sang nhiều nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam; thị trường nhân công lao động, quỹ đất lớn kết hợp với hạ tầng giao thông liên tỉnh được Chính phủ rót vốn đầu tư sẽ tạo đà cho sự phát triển về bất động sản công nghiệp.
Đối với thị trường bán lẻ, văn phòng, thương mại, VARS dự báo sẽ chịu áp lực tăng giá. Tỷ lệ lấp đầy ở mức cao, đặc biệt là các khu trung tâm thương mại được vận hành bởi các thương hiệu lớn như Vincom, Lotte, AEON Mall, Central Group...