Lãi suất tăng, hiện tượng bán tháo có xảy ra trên thị trường bất động sản?
Lãi suất liên tục tăng cùng với dòng tiền bị kiểm soát chặt, tạo áp lực lên cả chủ đầu tư và người mua trên thị trường bất động sản, đặc biệt nhóm sử dụng nhiều đòn bẩy khi không thể “gánh” nổi lãi suất có thể xảy ra hiện tượng bán tháo, đặc biệt tại phân khúc đất nền tỉnh.
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý 3/2022 được DKRA Group công bố gần đây cho thấy thanh khoản lao dốc ở nhiều phân khúc BĐS, đặc biệt là các phân khúc nhà ở và đất nền. Đơn cử, phân khúc đất nền trong quý 3/2022 ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ là 52%, mức thấp nhất kể từ đầu năm. Phân khúc căn hộ chung cư cũng ghi nhận tỷ lệ hấp thụ đạt 52%, giảm mạnh so với quý trước đó.
Theo DKRA Group, nguyên nhân sức cầu thị trường lao dốc phần lớn do tâm lý e ngại vấn đề vay mua bất động sản, lãi suất tăng cao. Mặc dù vậy, mặt bằng giá bán sơ cấp ở hầu hết các phân khúc đều ghi nhận tăng, dao động từ 2% - 8% tùy vào phân khúc do lạm phát, giá nguyên vật liệu, lãi suất tăng cao.
Theo khảo sát, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại tư nhân đang neo từ 12,5% - 14,5%/năm.
Thị trường trầm lắng, sức cầu sụt giảm mạnh, lãi suất cho vay có xu hướng tăng cao do áp lực lãi suất huy động tăng mạnh, nhà đầu tư sử dụng nhiều đòn bẩy là đối tượng “ngấm đòn” nặng nhất.
Chuyên gia dự báo, trước áp lực trả lãi “nặng như đeo chì”, nhiều nhà đầu tư sẽ phải cắn răng bán lỗ lớn để nhanh chóng “thoát hàng”, thu hồi vốn trước khi lâm vào tình cảnh suy kiệt tài chính do phải trả gốc, lãi vay ngân hàng hàng tháng.
Anh Trần Bá Đại (TP.HCM) cho biết, từ hồi tháng 4 năm nay, anh không ngừng rao bán căn hộ chung cư của mình với giá 2,5 tỷ đồng nhưng chưa có người hỏi mua.
Căn hộ của anh Đại có 2 phòng ngủ, diện tích 75m2, giá mua là 2,85 tỷ đồng (38 triệu đồng/m2). Để mua căn hộ này, ngoài 850 triệu đồng có sẵn, anh còn vay thêm 2 tỷ đồng từ ngân hàng (70% giá trị căn nhà) trong thời gian 10 năm. Mỗi tháng anh phải trả lãi và gốc hơn 30 triệu đồng.
Trong khi đó, quán cà phê anh Đại đang kinh doanh, cũng là nguồn thu nhập chính của anh, từ đầu năm nay rất ảm đạm, lượng khách sụt giảm mạnh khiến doanh thu tụt dốc.
“Dạo gần đây tình hình kinh doanh chán quá, mỗi tháng chẳng lời được bao nhiêu nên xoay hơn 30 triệu trả tiền ngân hàng hàng tháng rất khó khăn. Tôi muốn nhanh chóng bán được căn chung kia để đỡ nặng đầu, mà đã giảm 250 triệu rồi mà chưa ai hỏi mua. Tình hình này chắc tôi phải giảm giá bán còn hai tỷ ba, chịu lỗ 450 triệu mới mong bán được nhà”, anh Đại chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, thừa nhận trên thị trường BĐS có xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ sâu từ nhóm nhà đầu tư bị “nghẹt thở” do dùng nhiều đòn bẩy. Ngoài ra, việc lãi suất liên tục tăng tạo áp lực cho cả phía chủ đầu tư và người mua nhà khi khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối mặt với nhiều khó khăn.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, hiện nay trên thị trường BĐS đã xuất hiện những giao dịch mua lại BĐS giá trị thấp. Trong những tháng cuối năm, thanh khoản trên thị trường tiếp tục giảm, đặc biệt tại những loại hình BĐS chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh và các BĐS có giá trị lớn.
Vị chuyên gia này dự báo, làn sóng bán cắt lỗ khả năng sẽ còn tiếp diễn trong những tháng cuối năm do áp lực lãi suất tăng cao đè nặng nhà đầu tư dùng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.
“Lãi suất từ giờ tới cuối năm vẫn được dự báo tăng, việc nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy không chịu được áp lực lãi sẽ phải bán tháo”, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nêu quan điểm.
Ông Điệp cho rằng, tình trạng bán tháo sẽ xảy ra nhiều nhất ở phân khúc đất nền, đặc biệt là đất nền tại các tỉnh do nhu cầu thực không có, giá trị tạo ra chưa tương xứng với mức giá tăng nóng thời gian qua do bị “thổi giá”.