Nguyên Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải: Chân dung ‘Người buôn tiền số một’
Trên trang cá nhân của mình, ông Phạm Hồng Hải vừa chia sẻ về quyết định chấm dứt làm việc ở ngân hàng HSBC sau gần 30 năm gắn bó. Bến đỗ mới của ông Hải là một doanh nghiệp nội địa trên lĩnh vực tài chính - chứng khoán với vị trí Phó chủ tịch HĐQT: Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS).
Khởi nghiệp và thành danh ở HSBC
Tháng 12/2014, ông Phạm Hồng Hải được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, trở thành người Việt đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo cao nhất trong hệ thống ngân hàng quốc gia của HSBC toàn cầu.
Tham gia nhóm lãnh đạo HSBC Việt Nam từ rất sớm, ông Hải cùng các cộng sự đã đối diện với những thời điểm khó khăn như cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, qua đó đã mang lại những kinh nghiệm quý báu cho một lãnh đạo trẻ tuổi.
Chia sẻ về lý do đầu quân cho HSBC, ông Hải cho biết, khi đang theo học ở Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế TP. HCM, ông đã tham gia thực tập ở một số doanh nghiệp tên tuổi tại Việt Nam như: Vinamilk, Công ty Vận tải biển, P&G và đã được tiếp nhận ở các vị trí kinh doanh. Nhưng cuối cùng, cái duyên với ngành ngân hàng đã đưa ông đến với HSBC.
Ban đầu, ông Hải được nhận vào Bộ phận Quản lý tài chính và sau đó 2 năm, ông được chuyển sang Phòng Kinh doanh ngoại tệ. Thời điểm đó, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, đồng tiền bị phá giá mạnh. Ông Hải tâm sự, lúc đó ông chưa có kinh nghiệm và qua một trường lớp nào về kinh doanh ngoại tệ nên cảm giác rất mới mẻ. Tuy nhiên, trải qua giai đoạn khó khăn đó, ông đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh ngoại tệ.
“Nghề buôn tiền đòi hỏi một nguyên tắc là dừng lại ở một ngưỡng cho phép. Một quyết định mang lại lợi nhuận vài trăm ngàn USD có thể khiến bạn dễ dàng có thêm nhiều quyết định sai lầm vài giây sau đó, nếu không nhớ ngưỡng giới hạn trong nghề”, ông Hải nói.
Sau những thành công ấn tượng, tháng 7/2004, ông Phạm Hồng Hải được bổ nhiệm làm Giám đốc kinh doanh vốn và ngoại tệ của HSBC. Và đây chính là giai đoạn ông Hải ghi dấu ấn với nhiều “điệp vụ triệu USD”. Cái tên Phạm Hồng Hải được giới tài chính biết đến như là “người buôn tiền số một” đã xuất hiện.
Cuối năm đó, các tờ báo tài chính đồng loạt đưa tin về một vụ hoán đổi lãi suất giữa USD và VNĐ cho một công ty đa quốc gia với số vốn lên đến 15 triệu USD. Đây là thương vụ lần đầu tiên xảy ra và được nhận định là “động thái gây được sự chú ý trong giới tài chính nội địa vì đã tạo ra nền tảng cho các giao dịch phát sinh trong tương lai ở Việt Nam”. Hợp đồng hoán đổi lãi suất này do HSBC thực hiện và một trong những tác giả của nó chính là giám đốc kinh doanh vốn và ngoại tệ Phạm Hồng Hải.
10 năm sau đó, thông tin ông Phạm Hồng Hải trở thành Tổng giám đốc HSBC gây sốt trong giới tài chính. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt vì lần đầu tiên có một người Việt giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của trong một ngân hàng quốc gia của Tập đoàn toàn cầu HSBC.
Sau hơn 4 năm điều hành HSBC Việt Nam, ông Hải lại bước ra biển lớn để nhận nhiệm vụ quốc tế khi làm Giám đốc khối kinh doanh quốc tế của Ngân hàng HSBC Canada từ tháng 9/2019.
Quãng đời khởi nghiệp và thành danh ở HSBC của ông Hải đã để lại được dấu ấn qua hàng loạt chỉ số tích cực của ngân hàng này. Tổng tài sản của HSBC đã liên tục tăng trong các năm, đạt quy mô tầm trung so với các ngân hàng tại Việt Nam và là ngân hàng ngoại có quy mô tài sản lớn nhất trong các ngân hàng ngoại đang có mặt tại Việt Nam. Vốn chủ sở hữu của HSBC Việt Nam tính đến hết ngày 30/6/2019 đạt 11.178 tỷ đồng.
Thông qua mạng lưới toàn cầu được hậu thuẫn bởi ngân hàng HSBC mẹ tại Hồng Kông và Thượng Hải, HSBC Việt Nam đã sắp xếp tín dụng cho những doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào Việt Nam hoặc kết nối các đối tác trong nước và nước ngoài thực hiện những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A). Trong đó, nổi bật là giao dịch cho tập đoàn Vingroup và công ty con Vinfast để phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô vào năm 2018.
Ở thời điểm nửa đầu năm 2019, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.275 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận của HSBC cao nhất so với các ngân hàng ngoại tại Việt Nam và thậm chí tương đương với một số ngân hàng Việt có quy mô lớn tài sản lớn hơn nhiều lần.
Niềm tin để quay về với doanh nghiệp Việt
Là người trong cuộc, chứng kiến toàn bộ sự chuyển mình của ngành tài chính từ những năm cuối thập niên 90, ông Phạm Hồng Hải đã nhiều lần đưa ra các nhận định về tình hình tài chính Việt Nam.
Ông Hải tâm sự với tất cả sự trải nghiệm của mình: “Đặc điểm thị trường Việt Nam quen với mọi thứ khá ổn định và một số người nhìn nhận rủi ro khó xảy ra tại thị trường này. Những gì được chứng kiến từ cuộc khủng hoảng trong những năm 1997-1998 giúp tôi trở nên thận trọng hơn, luôn nhìn thị trường theo hướng chuyển động để có thể đón nhận rủi ro và từ đó có sự chuẩn bị vững vàng khi đối mặt với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và những sự kiện khác sau này”.
Nhận định về tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cho biết: “Tôi tin thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng hiện tại tăng trưởng vẫn chưa tương xứng. Nhìn vào tình hình Việt Nam, chúng ta thấy sự ổn định về kinh tế, cơ hội làm ăn đa dạng tại một nước đang phát triển đang có nhu cầu lớn về phát triển kinh tế, các nhà lập pháp khá cởi mở, có thiện chí muốn học hỏi và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Và người Việt Nam chính là người làm công tác quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam tốt nhất.”.
Đánh giá về lợi thế cạnh tranh của ngân hàng nội với ngân hàng ngoại, ông Hải cho rẳng: “Ngân hàng ngoại có lợi thế cạnh tranh là mạng lưới toàn cầu rộng lớn nên hiểu được cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. Những doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào Việt Nam hay những thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài đều qua ngân hàng ngoại do các ngân hàng này có thể kết nối hai bên đối tác trong nước và nước ngoài. Đây là thế mạnh mà ngân hàng nội khó cạnh tranh”.
Tuy nhiên, lợi thế ngân hàng nội lại có mạng lưới trong nước rất rộng, phủ được nhiều phân khúc. “Tôi lấy ví dụ như hiện nay ở Việt Nam khoảng 90% số doanh nghiệp là vừa và nhỏ và đây là một trong những mảng khách hàng chính của các ngân hàng nội”.
Với những thành công của mình, ông Phạm Hồng Hải là một banker người Việt hiếm hoi nổi tiếng trong giới ngân hàng quốc tế. Sau 28 năm làm việc tại Ngân hàng HSBC, ông Phạm Hồng Hải đã quyết định quay trở lại Việt Nam để theo đuổi các cơ hội trong lĩnh vực đầu tư tư nhân.
Ngày 1/8/2023, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS) đã ra quyết định bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải lên làm Phó chủ tịch HĐQT. Trước khi được bổ nhiệm, ông Hải đã là thành viên của HĐQT của Chứng khoán Thiên Việt từ tháng 4/2023.
Chia sẻ về cương vị mới, tân Phó chủ tịch TVS cho biết: “Tôi vô cùng hào hứng với những cơ hội mới, nơi chúng ta có thể kết nối vốn của các nhà đầu tư với nhu cầu vốn trong nền kinh tế mới. Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, các nhà đầu tư thực sự cần tìm được một nền tảng đầu tư phù hợp, để từ đó có thể tham gia vào câu chuyện tăng trưởng của đất nước. Chúng tôi thực sự mong muốn trở thành nền tảng hàng đầu để mang đến cho các nhà đầu tư những cơ hội mới tại Việt Nam”.