Nhà đầu tư BĐS tích cực săn “hàng ngộp”

Thanh khoản thị trường bất động sản tắc nghẽn, nhà đầu tư “vốn mỏng” phải bán lỗ, mong sớm “thoát hàng” nhưng khó tìm được đầu ra. Còn nhà đầu tư “mạnh về gạo, bạo về tiền” lại tích cực săn lùng, thu gom những “món hời” này.

 

Nhà đầu tư BĐS tích cực săn “hàng ngộp” - Ảnh 1

“Hàng ngộp” là từ giới đầu tư nhà đất dùng để nói về những bất động sản (BĐS) bị chủ sở hữu bán tháo khi thị trường gặp khó khăn. Thời gian vừa qua, thị trường BĐS đối mặt với nhiều khó khăn khiến thanh khoản ảm đạm, hàng loạt món “hàng ngộp” xuất hiện. Đây là “món hời” được nhiều nhà đầu tư “vốn mạnh” săn lùng.

Anh Phạm Trung Tín (TP.HCM) cho biết, theo quan sát của anh, những tháng trở lại đây thị trường BĐS thành phố tương đối ảm đạm. Tại các tuyến phố anh đi ngang qua đều bắt gặp những tờ rơi với nội dung “kẹt tiền, cần bán gấp”. Anh cho rằng, đây là một cơ hội đầu tư hiếm có nên tích cực tìm kiếm “hàng” để mua.

“Hầu hết chủ sở hữu tôi liên hệ hỏi mua đều đang trong cảnh kẹt tiền trả nợ ngân hàng. Họ tham gia thị trường trong giai đoạn thị trường tăng nóng, định lướt sóng kiếm lời nên đánh bạo vay ngân hàng để đầu tư. Song khi thị trường chững lại, thanh khoản èo uột, do không chịu nổi áp lực trả nợ nên họ phải chấp nhận bán lỗ để nhanh chóng thu hồi vốn để trả nợ. Thực tế giá giảm chỉ 5 - 10% thôi, nhưng nhiêu đó cũng đã rất hấp dẫn, vì giá BĐS những năm qua chỉ tăng mà không giảm,” anh Tín nói.

Từ đầu tháng 6, anh Tín đã “xuống tiền” mua 2 căn nhà mặt phố tại TP. Thủ Đức. Một căn có diện tích 90m2, giá ban đầu là 100 triệu đồng/m2 nhưng không bán được nên chủ nhà giảm còn 90 triệu/đồng/m2. Căn còn lại có diện tích 100m2, giá rao ban đầu là 80 triệu đồng/m2, nhưng anh Tín mua lại được với giá chỉ 75 triệu đồng/m2. 

Anh Tín nhận định, thị trường BĐS tại TP. Thủ Đức còn rất nhiều dư địa phát triển. Những khó khăn trong thời gian qua của thị trường chỉ là khó khăn ngắn hạn. Xét về dài hạn, mặt bằng giá BĐS tại khu vực này sẽ nằm trong xu hướng tăng.

Nhận định của anh Tín hoàn toàn có cơ sở. Theo báo cáo thị trường của DKRA Vietnam, trong 6 tháng đầu năm 2022, phân khúc nhà phố/biệt thự tại TP.HCM ghi nhận những tín hiệu tích cực. Cụ thể, nguồn cung và sức tiêu thụ của thị trường ghi nhận tăng, trong đó khu Đông (bao gồm TP. Thủ Đức) giữ vị trí dẫn dắt thị trường khi chiếm 58% tổng nguồn cung và 65% tổng lượng tiêu thụ. Giá bán sơ cấp cũng ghi nhận tăng 5 - 10% so với cùng kỳ, dự báo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022.

Chia sẻ từ một môi giới BĐS chuyên nghiệp, đặc thù của phân khúc nhà phố là mặt bằng giá không cố định. Thay vào đó, giá cả tùy thuộc vào khả năng chi trả và khẩu vị của người mua. Nếu người mua cảm thấy thích BĐS đó, họ sẵn sàng trả giá cao hơn từ vài trăm đến cả tỷ đồng để mua.

Giám đốc một công ty kinh doanh BĐS tại TP.HCM cho biết, thị trường BĐS thành phố đang tồn tại một nghịch lý là thanh khoản sụt giảm nhưng giá lại không giảm, thậm chí còn tăng. 

Theo khảo sát của công ty này, những căn nhà trong hẻm nhỏ ở gần khu vực trung tâm thành phố hiện nay không còn giá dưới 60 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, diện tích nhà càng nhỏ thì càng đắt. Tại một số khu vực như quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức cũ, mặt bằng giá nhà ở các trục đường nhỏ, hoặc hẻm đủ xe ô tô đi vào, đang dao động quanh mức 100 triệu đồng/m2.

Vị Giám đốc này cho rằng mặt bằng giá khó có chuyện giảm sâu. Nguyên nhân là do nhu cầu trong thị trường luôn hiện hữu, nếu không phải mua để ở thì cũng mua để đầu tư. 

Những nhà đầu tư ít vốn không cầm cự được trong giai đoạn này phải bán cắt lỗ thì sẽ có nhà đầu tư tài chính dư dả thu gom. Nhất là trong thời kỳ lạm phát, nhà đất luôn được xem là tài sản chống trượt giá tốt nhất. Do vậy, chỉ cần tìm được “hàng” giảm giá, các “cá mập” sẽ không ngần ngại “xuống tiền” ngay lập tức.

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, giá các loại hình BĐS nhà ở đều tăng. Cụ thể, giá căn hộ chung cư tăng bình quân 5 - 7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%, giá đất nền tăng 20 - 30%.

Nguồn cung nhà ở hạn chế, trong khi nhu cầu mua nhà đất để đầu tư cũng như để ở của người dân không ngừng gia tăng. Điều này khiến hầu hết phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ và đất nền hầu như không phát sinh hàng tồn kho.

Theo Chất lượng và Cuộc sống