Nhà đầu tư ngoại bán ròng 80.000 tỷ đồng, bao giờ dòng vốn mới trở lại?
Mặc dù tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% nhưng những động thái bán ròng hơn 80.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Nhà đầu tư ngoại bán ròng hàng tỷ USD
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa tổ chức buổi làm việc và trao đổi thông tin với đoàn công tác của FTSE Russell và Morgan Stanley về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tại buổi làm việc, đại diện FTSE Russell đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường thị trường nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng.
Đại diện Morgan Stanley cho biết, nếu Việt Nam được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi, có thể thu hút khoảng 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ những nhà đầu tư thụ động khác. Đồng thời, khi thị trường nâng hạng, các quỹ đầu tư chủ động cũng sẽ tham gia tích cực hơn, dự kiến dòng vốn đổ vào Việt Nam sẽ đạt khoảng 4-6 tỷ USD.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư tại Công ty Chứng khoán Maybank, nhận định rằng Việt Nam đang tiến rất gần đến khả năng nâng hạng. Mặc dù tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% nhưng những động thái bán ròng hơn 80.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Ông Khánh kỳ vọng triển vọng nâng hạng sẽ mang lại thay đổi tích cực cho dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Trong bối cảnh này, ông dự đoán các nhóm ngành sẽ hưởng lợi gồm công nghệ, đặc biệt là AI và chất bán dẫn, cùng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ngành tài chính ngân hàng nói chung và ngân hàng nói riêng vẫn là lĩnh vực quan trọng, chiếm tới 35% vốn hóa trên sàn HoSE, đóng vai trò như xương sống của nền kinh tế.
Đồng quan điểm, bà Phan Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm (Khối Khách hàng Cá nhân) tại VPBank, cũng kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài khi thị trường đón sóng nâng hạng. Các chuyên gia dự báo lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý IV và năm 2025. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ ổn định nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng thêm kỳ vọng tích cực cho ngành ngân hàng.
Đối với VPBank, việc Ngân hàng SMBC của Nhật Bản giải ngân 1,4 tỷ USD để mua 15% cổ phần của ngân hàng này cho thấy tầm nhìn dài hạn từ phía các nhà đầu tư nước ngoài với ngành ngân hàng Việt Nam.
Động lực nào cho ngành ngân hàng?
Theo bà Phan Mỹ Hạnh, ngành ngân hàng sẽ hưởng lợi khi kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tốt, với các trụ cột chính như lãi suất, công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và đầu tư công có nhiều chuyển biến tích cực. Doanh thu bán lẻ cũng liên tục tăng trưởng, bất động sản bắt đầu phục hồi tại nhiều địa phương, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần hồi phục, hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản. Bà Hạnh cho rằng những yếu tố này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã chủ động đón đầu các xu hướng như chuyển đổi số, phát triển bền vững (ESG) và áp dụng các thông lệ quốc tế trong quản trị công ty. Đây cũng là những động lực tích cực cho ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng ngành ngân hàng sẽ có thêm nhiều cơ hội khi tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm tài chính phù hợp với doanh nghiệp và người tiêu dùng, và đẩy mạnh các dịch vụ tài chính số AI nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.
“Các ngân hàng nên đầu tư mạnh vào phát triển bền vững, xanh và sạch, khuyến khích doanh nghiệp triển khai các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ xanh thông qua các khoản vay ưu đãi. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Các ngân hàng cũng cần tăng cường quản lý rủi ro nhằm nâng cao khả năng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những thách thức trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động,” ông Khánh nhận định.