Nhà ở giá thấp dự kiến 'đổ bộ' vào thị trường bất động sản 2022
Mới đây, trong bối cảnh nguồn cung nhà ở giá thấp đang ngày càng khan hiếm, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn.
Khẩn trương điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở
Theo đó, Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.
Để triển khai thực các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh, phê duyệt các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời rà soát, kiểm tra việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về nhà ở; khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Bên cạnh đó, Bộ đề nghị các địa phương có các cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố,...
Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ dự kiến sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc với một số địa phương về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp); việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Thị trường nhà ở giá thấp “khan hiếm”
Hiện nay, thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng thừa nhà ở cho người giàu, thiếu nhà ở cho người nghèo. Nhà ở giá thấp nhu cầu cao nhưng nguồn cung lại vô cùng khan hiếm trong vài năm trở lại đây, khiến giấc mơ an cư của nhiều người ngày càng xa tầm với.
Chia sẻ tại tại một tọa đàm diễn ra mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, TP HCM được đánh giá có sự lệch pha về cung cầu, lệch pha về phân khúc nhà ở.
Cụ thể, trong năm 2020, thành phố chỉ có 1% nhà ở vừa túi tiền, nhưng sang năm 2021 thì không có căn nào, hiện rất khó để tìm được căn hộ có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2.
"Các căn hộ trước đây dự kiến bán với giá dưới 35 triệu đồng/m2 thì do mất cân đối nguồn cung nên nhiều dự án bị đẩy lên giá cao, trở thành phân khúc nhà ở tầm trung và cao cấp. Tính đến thời điểm này, giấc mơ tạo lập nhà ở của người thu nhập thấp, công nhân,... ngày càng xa vời", ông Châu cho hay.
Theo ông Châu, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP HCM chỉ phát triển 15.000 căn nhà ở xã hội, dù mục tiêu đặt ra là 20.000 căn. So với cả nước, TP HCM vẫn là địa phương có kết quả tốt nhất, nhưng cũng chỉ đạt 75% kế hoạch.
Ông cũng cho biết thêm, Bộ Xây dựng cùng với Hiệp hội, đã xây dựng đề án phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp. Ngoài ra, ông Châu cho hay việc sửa luật Nhà ở trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ tích hợp đề án phát triển nhà ở thương mại có giá phù hợp đi đôi với nhà ở xã hội. Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo rà soát lại việc sử dụng quỹ đất 20% trong các nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách liên quan đến giảm lãi suất ngân hàng, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp,… để hút doanh nghiệp đầu tư.