Dòng tiền đang chảy mạnh vào bất động sản liền kề khu công nghiệp?

Năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường bất động sản Bình Dương khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Trong đó, những khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp như Tân Uyên trở thành lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư.

Dòng tiền đang chảy mạnh vào bất động sản liền kề khu công nghiệp? - Ảnh 1

Nhiều năm qua, sự phát triển của thị trường bất động sản Bình Dương gắn liền với hoạt động của các khu công nghiệp. Bên cạnh Thủ Dầu Một, hai thành phố trẻ Thuận An và Dĩ An đều tạo nên sự phát triển đột phá dựa trên tiền đề hình thành các khu công nghiệp như VSIP 1, Sóng Thần, Việt Hương, Đồng An, Bình Dương, Tân Đông Hiệp… Nhờ các khu công nghiệp, các địa phương này đã thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI, phát triển hạ tầng, dịch vụ và tạo ra việc làm để thu hút dân cư đến làm ăn sinh sống.

Thị trường bất động sản tại Thuận An, Dĩ An nhờ đó cũng bắt đầu phát triển mạnh, dần tiệm cận với TP Hồ Chí Minh. Nếu trước đây giá đất tại các khu vực này chỉ khoảng 12-15 triệu đồng/m2 thì sau khi lên thành phố đã bật tăng gấp đôi và hiện nay đã lên mức bình quân 40-45 triệu đồng/m2.

Hiện nay Thuận An, Dĩ An đã được tỉnh Bình Dương định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ và các ngành công nghiệp ít thâm dụng lao động, tài nguyên đất đai. Lĩnh vực công nghiệp dần được quy hoạch phát triển lên khu vực phía Bắc. Trong đó, thị xã Tân Uyên được hưởng lợi nhiều nhất khi có vị trí liền kề Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Tân Uyên đang có gần chục khu công nghiệp lớn hoạt động như Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên mở rộng, Sóng Thần 3, VSIP 2, VSIP 2 mở rộng, Uyên Hưng, Đất Cuốc… Thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp của Tân Uyên đã đạt hơn 4 tỷ USD. Và tiếp nối Thuận An, Dĩ An, thị xã Tân Uyên cũng đang phát triển rất nhanh với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương vào năm 2023.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, trong giai đoạn 2021-2025, Tân Uyên tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, chỉnh trang đô thị để làm động lực phát triển. Các loại hình thương mại – dịch vụ, khu dân cư đô thị sẽ được ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển theo hướng đô thị thông minh.

Thống kê cho thấy trên địa bàn Tân Uyên đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 50 dự án nhà ở thương mại và chuẩn bị nguồn vốn đầu tư hạ tầng khoảng 1 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2025. Điển hình là các dự án hạ tầng tạo động lực phát triển như đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Tân Uyên, đại lộ Tân Uyên – Phú Giáo, Vành đai 4, cầu Bạch Đằng 2… Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn cho sự phát triển của thành phố Tân Uyên.

Phân khúc sản phẩm giữ vai trò dẫn dắt thị trường bất động sản Tân Uyên vẫn là đất nền và nhà liền thổ. Trong vài năm qua, giá đất tại Tân Uyên đã tăng gấp đôi, từ mức 8-10 triệu đồng/m2 đã tăng lên 17-25 triệu đồng/m2. Thị trường cũng bắt đầu xuất hiện những dự án nhà liền thổ cao cấp với mức giá 30 – 35 triệu đồng/m2 nhắm đến khách hàng là doanh nhân, chuyên gia, quản lý cấp cao làm việc tại các khu công nghiệp.

Các chuyên gia nhận định, sở dĩ nhiều nhà đầu tư mạnh tay “rót tiền” vào bất động sản liền kề khu công nghiệp là do dòng sản phẩm này sẽ bù đắp nhu cầu nhà ở đang thiếu hụt xung quanh các khu công nghiệp. Mặt khác, bất động sản liền kề khu công nghiệp có khả năng đem lại lợi nhuận kép từ việc kết hợp khai thác kinh doanh, cho thuê. Kinh nghiệm từ Thuận An, Dĩ An cho thấy, khi bất động sản công nghiệp tăng trưởng một thì bất động sản nhà ở liền kề khu công nghiệp tăng trưởng gấp nhiều lần.

Ở một góc độ khác, hiện nay thị trường đất nền Bình Dương hầu như không còn đất nền giá dưới 1 tỷ đồng. Những khu vực mới nổi như tại Phú Giáo giá đất cũng đang tăng mạnh khi các dự án hạ tầng được xúc tiến đầu tư và quy hoạch thêm các khu công nghiệp. Đây cũng là lý do các nhà đầu tư dự báo giá đất tại “thủ phủ” công nghiệp Tân Uyên sẽ nhanh chóng thiết lập đỉnh mới trong thời gian ngắn sắp tới.

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển